Hermann Hesse
Nhà thơ, nhà văn, họa sĩ người Đức – Thụy Sỹ.
- Người dịch: Phạm Tùng
- 25/06/2023
- 00:10′
Những gì chúng ta thấy đều là một sự biểu đạt, tất cả đều là những hình ảnh, ngôn ngữ và chữ tượng hình sống động. Dù cho nền khoa học tự nhiên có tân tiến đến đâu, chúng ta đều không được chuẩn bị hay rèn luyện để thực sự nhìn vào mọi thứ, mà thay vào đó lại bất đồng với tự nhiên. Thực tế thay, có lẽ tại tất cả các thời kỳ khác, từ những khoảng thời gian xa xưa trước khi máy móc và công nghệ dần bao trùm trái đất, việc hòa hợp với phép thuật mang tính biểu tượng của tự nhiên, hiểu được các kí hiệu của nó đã dễ dàng và thong thả hơn rất nhiều so với cách thức chúng ta làm ngày nay. Điều này không can dự gì đến tình cảm; mối quan hệ tình cảm mà con người có với thế giới tự nhiên là một sự phát triển gần đây hơn, mà có thể phát sinh từ lương tâm rối ren của chúng ta với thế giới đó.
Cảm quan về ngôn ngữ tự nhiên, cảm quan về niềm hân hoan trong sự đa dạng được chiếu bóng vào mỗi ngã rẽ bởi sự sống sinh ra sự sống, và động lực để thần thánh hóa loại ngôn ngữ đa dạng này – hay đúng hơn là động lực để đi tìm câu trả lời – đã có niên đại song song với lịch sử loài người. Thứ bản năng tuyệt vời này đưa chúng ta về lại với buổi bình minh của thời gian và bí mật khởi đầu của chúng ta, bản năng sinh ra từ ý thức về một thể hợp nhất linh thiêng, ẩn mình đằng sau sự đa dạng phi thường này, của một người mẹ nguyên thủy khởi đầu cho mọi sinh nở, một đấng tạo hóa của mọi sinh vật, là nguồn gốc của nghệ thuật – như nó đã luôn là. Ngày nay, chúng ta dường như chần chừ trước việc tôn kính tự nhiên theo cách ngoan đạo, ấy là đi tìm cái tính đồng nhất trong cái đa dạng; chúng ta miễn cưỡng phải thừa nhận cái động lực thật trẻ con này và luôn cười đùa về nó mỗi khi được nhắc tới, tuy nhiên ta có thể sai lầm khi nghĩ rằng bản thân mình và loài người đương đại là những kẻ bất kính và không thể tuẫn đạo khi trải nghiệm tự nhiên. Dường như thật là khó khăn trong những ngày này– quả là vậy, gần như là bất khả– để có thể làm những việc đã được thực hiện trong quá khứ, hồn nhiên tôn vinh tự nhiên như là một thế lực thần bí, hoặc nhân hóa và tôn thờ Đấng sáng tạo như một người Cha. Chúng ta cũng có thể đúng khi cho rằng những hình thức sùng đạo hơi ngu ngốc hoặc nông cạn, thay vào đó lại có niềm tin rằng sự trôi dạt kinh hãi, định mệnh về phía triết học mà ta thấy đang diễn ra trong ngành vật lý hiện đại rốt cuộc là một quá trình tuẫn đạo.
Vậy thì, cho dù ta có ngoan đạo và khiêm tốn trong cách thức tiếp cận của mình hay là ngạo mạn và sỗ sàng; cho dù ta châm chọc hay tôn kính những biểu hiện trước đây về niềm tin vào tự nhiên như là một sinh vật sống: mối quan hệ thực của chúng ta với tự nhiên, kể cả khi nó được coi là một nguồn khai thác, vẫn luôn giữ bản chất của mối quan hệ mẫu tử, và một số con đường lâu đời dẫn loài người đến với hạnh phúc hoặc trí tuệ đã không gia tăng về số lượng. Con đường đơn giản và thơ ngây nhất trong số này chính là chiêm ngưỡng trước tự nhiên và cẩn trọng để ý tới ngôn ngữ của nó.
“Tôi đang ở đây, rằng tôi có thể kinh ngạc!”
Sự kinh ngạc là nơi bắt đầu, và cho dù nó cũng là nơi kết thúc, đây hoàn toàn không phải là một con đường tầm phào. Cho dù có ngưỡng mộ một đám rêu, một tinh thể, bông hoa, hoặc một con bọ vàng, một màn trời đầy mây, một vùng biển với tiếng thở dài êm đềm, mênh mông của những con sóng, hoặc một cánh bướm được sắp xếp với các đường nét tinh thể trong suốt, và phía mặt sống động tại phần rìa của nó, các kí tự và hình thù tạo nên đặc trưng của riêng nó, và những sự chuyển – phai màu vô tận, ngọt ngào, truyền cảm hứng một cách say mê– cứ mỗi khi tôi trải nghiệm phần nào của tự nhiên, dù là bằng thị giác hay một trong số năm giác quan của tôi, cứ mỗi khi tôi cảm thấy mình chìm đắm, mê hoặc, mở toang cánh cửa trong giây lát dẫn lối bản thân tới sự tồn tại và thấu tỏ của nó, chỉ những khoảnh khắc như vậy đã kéo tôi ra khỏi thế giới đầy những hám lợi, mưu toan mù quáng của con người, thay vì chiếm hữu hoặc khai thác, chiến đấu hoặc sắp xếp, tất cả những gì tôi làm tại khoảnh khắc đó là “kinh ngạc”, giống như Goethe, và sự kinh ngạc này không chỉ giúp hình thành trong tôi tình anh em với ông ấy, các nhà thơ và vị hiền triết khác, nó cũng biến tôi trở thành người anh em với những điều kỳ diệu mà tôi trông thấy và trải nghiệm như tại thế giới sống: những loài bướm, bọ, đám mây, con sông và dãy núi, bởi lẽ tại khoảnh khắc dạo bước trên con đường của kinh ngạc, tôi nhẹ nhàng bước ra thế giới của sự phân cách và đặt chân tới thế giới của sự đoàn kết, nơi một sinh vật nói với kẻ còn lại rằng: Tat tvam asi (Bạn chính là Nó).
Chúng ta nhìn vào mối quan hệ giản đơn của các thế hệ trước đây với tự nhiên và cảm thấy hoài niệm đôi khi, hoặc thậm chí là ghen tị, tuy nhiên chúng ta lại tỏ ra không muốn coi trọng thời đại của mình hơn mức đã bảo đảm; ta cũng không muốn phàn nàn rằng các trường đại học đã thất bại trong việc dẫn mình theo con đường dễ chạm tới trí tuệ nhất và rằng, thay vì dạy cảm giác sợ hãi, họ lại dạy điều ngược lại: phép tính toán và đo lường hơn là niềm vui, sự tỉnh táo hơn là sự mê hoặc, cái nắm giữ cứng nhắc vào những đơn mảnh rời rạc hơn là sự kết nối giữa cái thống nhất và cái toàn bộ. Đây không phải là ngôi trường của trí tuệ, suy cho cùng, chúng chỉ là ngôi trường của tri thức mà thôi, mặc cho chúng coi là lẽ thường tình những thứ chúng không thể dạy – khả năng trải nghiệm, khả năng được chuyển động, cảm quan của Goethe về sự kinh ngạc – và tuyệt nhiên giữ im lặng về nó, trong khi những bộ óc vĩ đại nhất của họ lại nhận ra rằng không có mục đích nào cao cả hơn là tiếp tục kiến tạo con đường dẫn tới Goethe và những vị hiền triết chân chính khác một lần nữa.
Loài bướm, trọng tâm chủ đích của chúng ta tại đây, là một tác phẩm sáng tạo được yêu thích vô cùng, giống như loài hoa vậy, được nhiều người ưa chuộng như một vật thể giá trị và quyền lực của sự kinh ngạc, một phương thức đặc biệt đáng mến của trải nghiệm, của trực giác về phép đại nhiệm màu, của việc trân trọng cuộc sống. Giống như bông hoa, bướm dường như được dành riêng để làm đồ trang trí, trang sức hoặc đá quý, những tác phẩm nghệ thuật lấp lánh li ti và những khúc tán ca được phát minh bởi những thiên tài hòa đồng, quyến rũ và thú vị nhất, hay mơ mộng về niềm vui sáng tạo dịu dàng. Người ta phải bị mù hoặc vô cùng nhẫn tâm mới không cảm nhận được niềm vui khi nhìn thấy một con bướm, không cảm nhận được tàn dư của niềm say mê một thời thơ ấu hoặc tia sáng le lói của sự kinh ngạc như Goethe. Và với những lý do hoàn toàn xác đáng. Sau cùng, một con bướm là thứ gì đó đặc biệt, một loài côn trùng không giống bất kỳ loài nào, và cũng không hẳn là một loài côn trùng thật sự, mà nó là giai đoạn cuối cùng, vĩ đại, hân hoan và thiết yếu nhất trong sự tồn tại của mình. Được đốc thúc để sản sinh cũng như được chuẩn bị cho việc lụi tàn, nó là hình thức giao phối dồi dào của một loài sinh vật mà mãi đến gần đây hãy còn là một con nhộng đang say giấc và, trước đó, là một con sâu bướm phàm ăn. Một con bướm không sống chỉ để ăn và già đi; mục đích duy nhất cho việc tồn tại của nó là tìm bạn tình và bảo toàn giống loài. Bởi lẽ đó, nó được khoác lên mình một lớp trang sức vô cùng lộng lẫy. Đôi cánh lớn hơn cơ thể tới vài lần, tiết lộ bí mật về sự tồn tại của loài bướm trong đường nét và màu sắc, vảy và lông tơ, một thứ ngôn ngữ tinh xảo và đa dạng, được sắp xếp theo thứ tự để nó có thể hoàn thành trọng trách gắn liền với sự tồn tại của mình một cách mãnh liệt hơn, tạo dựng nên một màn trình diễn ma thuật và mê hoặc hơn dành cho loài khác giới và vinh quang tại buổi lễ tán tụng sự sinh sản. Con người qua các thời đại đã biết tới tầm quan trọng của loài bướm và vẻ đẹp lộng lẫy của chúng; loài bướm đơn giản là sự mặc khải. Hơn nữa, bởi vì bướm là giống loài yêu thích lễ hội và có khả năng thay đổi hình dạng tuyệt trần, chúng đã trở thành biểu tượng của sự vô thường và cả sự bền bỉ vĩnh cửu; từ thời xa xưa, con người đã tôn vinh vẻ đẹp của loài bướm như là biểu tượng của ngụ ngôn và huân chương của tâm hồn.
Có một sự thật là, thuật ngữ tiếng Đức cho loài bướm, Schmetterling, hóa ra lại không có nguồn gốc sâu xa lắm; cũng như không phải tất cả phương ngữ đều sử dụng từ này. Thuật ngữ đặc biệt này, trong khi có thể cảm nhận được sự năng lượng trong các kí tự cấu thành, lại đồng thời mang đến cảm giác thô cứng, thậm chí là bất ổn định. Được biết đến và sử dụng tại vùng Saxony và có lẽ là cả Thuringia, thuật ngữ này không xuất hiện trong ngôn ngữ viết hay ngôn ngữ chung mãi đến tận thế kỉ 18. Schmetterling không hề được biết đến tại phía nam Đức và Thụy Sĩ, nơi sử dụng một từ có lẽ là cổ và đẹp đẽ nhất để chỉ loài bướm: Fifalter (hoặc Zwiespalter*), nhưng bởi vì ngôn ngữ loài người, giống như những kí hiệu tìm thấy trên cánh bướm, là một vấn đề không liên quan đến lý lẽ và tính toán, mà là tiềm năng sáng tạo và thi ca, nên chỉ một cái tên thôi là chưa đủ, giống như việc chúng ta gọi tên những thứ mình yêu thích, ngôn ngữ đã tạo ra một vài tên gọi khác nhau – trên thực tế là, rất nhiều cái tên. Tại Thụy Sĩ ngày nay, bướm và bướm đêm thường được gọi là Filfalter hoặc Vogel (“loài chim”), và có một số biến thể như Tagvogel (“loài chim ban ngày”), Nachtvogel (“loài chim ban đêm”), và Sommervogel (“loài chim mùa hè”). Với vô vàn tên gọi cho loài sinh vật này nói chung (bao gồm Butterfliegen, hay “ruồi bơ”, Molkendiebe, hay “kẻ trộm sữa”, và còn nhiều tên gọi khác nữa), mà thay đổi tùy theo cảnh quan và phương ngữ của một vùng, người ta có thể tưởng tượng ra vô số cái tên tồn tại chỉ để phân biệt từng loài bướm – mặc dù sẽ sớm trở thành “đã từng tồn tại”, bởi lẽ chúng đang biến mất dần, giống như tên của các loài hoa bản địa, và nếu không vì những đứa trẻ phát hiện ra niềm yêu thích của mình với loài bướm và sưu tầm chúng, thì những tên gọi này, nhiều trong số chúng thật là mỹ miều, sẽ cũng dần biến mất theo năm tháng mà thôi, giống như nhiều vùng đất đã chứng kiến sự trù phú một thời của loài bướm và rồi dần mất đi kể từ các cuộc công nghiệp hóa và hợp lý hóa ngành nông nghiệp.
Và thay mặt cho những người sưu tầm bướm, ở bất kì độ tuổi nào, tôi xin trình bày thêm một điểm nữa. Sự thật rằng nhà sưu tầm giết loài bướm, đính chúng bằng những cái ghim và bảo quản, để có thể giữ được lâu nhất có thể và không làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, thường được coi là – với một bầu không khí ủy mị – một hành động xứng được treo ngang hàng với những tội ác man rợ kể từ thời J.J. Rousseau, và văn học viết từ những năm 1750 đến 1850 hay bao gồm những hình ảnh khôi hài về việc người đi đường không thể chịu đựng việc thưởng thức và chiêm ngưỡng những con bướm trừ khi chúng đã chết và được xiên vào các đinh ghim. Những gì đã gần như là vô lý, thậm chí sau đó, trở nên hoàn toàn vô lý vào ngày nay. Tất nhiên, sẽ có nhiều nhà sưu tầm không hài lòng với việc nhìn ngắm các con thú còn sống và tự do trong môi trường thiên nhiên, nhưng ngay cả những người cứng nhắc nhất trong số họ cũng giúp đảm bảo rằng loài bướm sẽ không bị lãng quên, rằng những cái tên mỹ miều cổ xưa vẫn tồn tại theo thời gian, và, đôi khi, họ còn góp phần vào sự tồn tại của loài bướm đáng mến của chúng ta. Giống như việc tình yêu đối với săn bắn dạy chúng ta không gì khác ngoài việc chăm sóc con mồi của mình, những thợ săn bướm là người đầu tiên nhận ra sự tàn lụi của một số loài thực vật (ví dụ như cây tầm ma) và các hành động phá hủy hệ sinh thái khác có thể dẫn tới sự sụt giảm của loài bướm. Không phải loài bướm cánh trắng hoặc một kẻ thù tương tự đối với người nông dân và người làm vườn sẽ chịu đựng tổn thất; trái lại, chính những loài tốt hơn, hiếm hơn và đẹp đẽ hơn sẽ bỏ mạng đầu tiên trong cuộc chiến và biến mất khi con người can thiệp quá sâu vào cảnh quan tự nhiên. Một người đam mê loài bướm thật sự sẽ làm nhiều hơn là chỉ chăm sóc sâu bướm, nhộng và trứng cẩn thận; anh ta sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để giúp nhiều chủng loài bướm khác nhau có thể sinh sống mạnh khỏe trong khu vực của mình. Bản thân tôi, dù đã qua những tháng ngày là một người sưu tầm bướm, nhưng tôi đã biết cách gieo hạt tầm ma.
Mỗi đứa trẻ với bộ sưu tầm bướm đều đã nghe về những loài bướm lớn hơn, sáng chói và rực rỡ hơn thường được phát hiện tại những vùng có khí hậu nóng, như ở Ấn Độ, Brazil hoặc Madagascar. Một số thậm chí đã để mắt đến chúng, tại bảo tàng hoặc từ các bộ sưu tầm cá nhân, bởi vì vào những ngày này, người ta có thể mua các loài bướm ngoại lai, được bảo quản (thường trong tình trạng rất đẹp) và gắn trên bông dưới lớp kính; kể cả những người chưa từng tận mắt chứng kiến cũng đã nhìn thấy các bản sao của chúng. Khi tôi còn trẻ, tôi nhớ rằng mình đã từng khát khao muốn chiêm ngưỡng một loài bướm cụ thể mà những cuốn sách tôi đọc chỉ rằng có thể tìm thấy tại Andalusia vào tháng Năm. Và mỗi khi bắt gặp một vài mẫu vật tuyệt đẹp của vùng nhiệt đới tại bảo tàng hoặc từ một bộ sưu tầm của người bạn, tôi sống lại niềm vui vỡ òa của tuổi trẻ năm nào, giống như sự vui sướng rộn ràng mà tôi đã cảm nhận được khi lần đầu phát hiện một con bướm Apollo. Đi kèm niềm vui sướng chứa đựng phần nào nỗi buồn này, khi chiêm ngưỡng những sinh vật kỳ diệu như vậy, tôi thường đặt một chân ra khỏi cuộc đời vốn không mấy thơ mộng của mình, và bước vào vùng đất tự vấn của Goethe, trải nghiệm một khoảnh khắc mê hoặc, tận tụy và tuẫn đạo.
Và sau đó, điều tôi không bao giờ nghĩ có thể xảy ra lại đến với tôi, khi tôi đang tự chèo biển ra khơi tới những bờ biển xa lạ oi bức. Tôi đi dọc theo vùng nước có cá sấu xuyên qua khu rừng nhiệt đới để ngắm các loài bướm nhiệt đới trong môi trường tự nhiên của chúng. Cùng với đó, nhiều giấc mơ thời niên thiếu của tôi đã thành hiện thực, và trong sự trở thành hiện thực đó, một số cũng đã trở nên hoen ố. Tuy nhiên, niềm vui thích đối với loài bướm không bao giờ giảm đi; cánh cửa bé nhỏ dẫn tới điều khó mà có thể miêu tả này, con đường thân yêu và không nhọc nhằn chút nào dẫn tới sự kinh ngạc này, chưa bao giờ rời bỏ tôi.
*Ghi chú của người dịch bản gốc: Việc sử dụng từ Zwiespalter để chỉ loài bướm liên quan tới đặc tính lưỡng cực của cơ thể chúng.