Ayn Rand
Tiểu thuyết gia và triết gia người Mỹ gốc Nga
- goreadyourself
- 25/07/2023
- 00:05′
Ayn Rand (1905 – 1982) là tiểu thuyết gia, triết gia người Mỹ gốc Nga. Bà được biết đến nhiều nhất với vai trò tác giả của Suối nguồn (The Fountainhead) và là người khởi sướng Chủ nghĩa khách quan (Objectivism). Chủ nghĩa này cho rằng chỉ có duy nhất một bản chất của thực tại và thế giới, và nó hoàn toàn độc lập với tâm trí con người. Lý tính (reason) là thứ duy nhất chúng ta có và cần để hiểu thực tại. Vì thế lý tính đóng vai trò độc tôn tối quan trọng trong tư tưởng của Ayn Rand và các tác phẩm của bà. Thực tại và tâm trí con người cũng không phải một nhất thể trọn vẹn như nhiều truyền thống triết học, tôn giáo mình từng biết.
Chính Ayn Rand đã từng phát biểu: ‘Triết lý của tôi, về bản chất, là quan niệm về con người như một sinh vật anh hùng, lấy hạnh phúc của chính mình làm mục đích đạo đức của cuộc đời mình, lấy thành tựu sản xuất làm hoạt động cao quý nhất và lý trí là thứ tuyệt đối nhất của anh ta.’ Với bà, cuộc đời có thể được quy về ba trụ cột chính là lý tính, mục đích và sự tự tôn. Tư tưởng này hướng con người đến với tương lai chuẩn tắc bởi của cải vật chất, của những giá trị tốt đẹp, của kỷ luật lý tính, của sản xuất tư bản. Với mình, nó vô tình bỏ nhẹ những ‘góc tối’ và bản tính tự nhiên của con người, trong đó có trực giác, cảm xúc và bản năng nguyên thuỷ. Điều này, theo thuyết tâm lý của Jung, về lâu dài có thể dẫn đến những bệnh trạng tâm lý phân cực.
Tác phẩm này, tuy nói là ‘Tuyên ngôn’ nhưng Ayn Rand chỉ phát biểu nhân danh chính mình. Bà muốn vượt lên khỏi những đa cảm rối rắm và tư duy mơ hồ xung quanh chủ đề nghệ thuật và mối quan hệ của nó với con người. Bằng suy luận lý tính chắc chắn, cẩn trọng và sự trung thực không khoan nhượng, bà muốn tìm ra một định nghĩa chính xác của nghệ thuật và những bản chất của thứ ‘nghệ thuật tốt’, từ đó tạo nền tảng cho quá trình phê bình nghệ thuật. Ngoài ra, bà muốn phục hưng lại sự huy hoàng của chủ nghĩa Lãng mạn thế kỷ 19, cho nó một diện mạo mới, tính ứng dụng mới, bằng cách tạo cho nó một nền tảng lý tính vững chắc. Theo cá nhân mình, đây là một tham vọng rất can đảm và tương đối cực đoan. Tuy có thể tạo ra thang đo tiêu chuẩn cho giá trị tác phẩm, nhưng dường như nó chỉ phù hợp với giới phê bình, không hữu dụng với sự cảm nghiệm thuần tuý cảm xúc của người xem phổ thông.
Hai công cụ chính cho những suy luận của bà là: quá trình Nhận thức luận tâm lý (Psycho-Epistemology) và khái niệm Cảm thức sống (Sense of Life). Nhận thức luận tâm lý nghiên cứu về quá trình nhận thức của con người như một sự kết hợp của những quan năng có ý thức và chức năng tự động của tiềm thức. Còn Cảm thức sống là cảm nhận, cách thức một người hành động trong suốt cuộc đời của họ mà không phụ thuộc hay rập khuôn bởi chỉ một hệ thống triết học nào. Nó là thể tương đương với siêu hình học ở cấp độ tiền nhận thức, gần như thuộc về cảm xúc. Nó quyết định tính luân lý và tính chất phản ứng của con người trước sự kiện. Đến đây, mình thấy tư tưởng của Ayn Rand đã chấp nhận phó mặc một phần nhận thức của con người vào những gì lý tính thuần tuý không thể chạm đến, đó là tiềm thức và những giá trị siêu hình học tuyệt đối. Điều đó tạo ra vết nứt không toàn vẹn trong tư tưởng của bà.
Về khái niệm Chủ nghĩa Lãng mạn, tuy đều tập trung vào cá nhân và tôn vinh tiềm năng con người nhưng triết lý Lãng mạn của Ayn Rand có đôi chút khác biệt với chủ nghĩa lãng mạn cổ điển thế kỷ 18-19. Chủ nghĩa lãng mạn cổ điển nhấn mạnh các giá trị siêu hình của thực tại, thiên nhiên, cảm xúc, thậm chí là tâm linh mà không nhất thiết phải diễn tả thành ý thức. Còn Ayn Rand cực đoan hơn, cho rằng một tác phẩm nghệ thuật phải có mục đích, giá trị, đạo đức nhất định. Giá trị đó có thể xác định bằng quá trình tìm sâu có lý tính. Điều này với bà sẽ đem đến cho nghệ thuật tính tối thượng, nhất quán và vững chắc của giá trị. Hơn nữa với Ayn Rand nghệ thuật phải hướng đến những cái thiết thực, tươi đẹp. Bà nói rằng: “Những điều không đáng thưởng ngoạn trong cuộc sống, thì cũng không đáng để tái tạo trong nghệ thuật”. Điều đó khiến cho tư tưởng của bà về nghệ thuật hay nói chung mang khuynh hướng cứng nhắc và bảo thủ. Nó phủ định lại hoàn toàn chủ nghĩa Tự nhiên (Naturalism).
Về tổng quan, mình vẫn khá ổn với cuốn sách này vì những lập luận sắc bén khá thuyết phục, cho mình góc nhìn phản tư về nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Tuy nhiên có nhiều lập trường cực đoan về cảm nghiệm nghệ thuật, tình yêu, đời sống mà mình không nhất thiết đồng thuận.
Để sống, con người phải hành động; để hành động con người buộc phải lựa chọn; để lựa chọn, con người phải xác định một hệ giá trị; để xác định một hệ giá trị, ta phải biết mình là gì và mình ở đâu – nghĩa là ta phải biết bản chất của chính mình (bao gồm cả phương tiện tri thức) và bản chất của vũ trụ nơi ta sống – nghĩa là con người cần siêu hình học, nhận thức luận, đạo đức học, tức là: triết học. Con người không thể thoát khỏi nhu cầu này; lựa chọn duy nhất là: cái triết lý dẫn dắt con người là được chọn bởi trí óc con người hay bởi sự ngẫu nhiên.
Nghệ thuật là tấm gương siêu hình của con người; những gì một người lý trí tìm cách nhìn thấy trong tấm gương đó là sự chào mừng; những gì một người phi lý chí tìm cách nhìn thấy là sự biện minh – ngay cả khi chỉ là lời biện minh cho sự đồi bại của chính mình, như một cơn cuồng loạn cuối cùng đối với lòng tự tôn bị phản bội của bản thân.