Simone Weil
Simone Weil (1909 – 1943), bà là người Do Thái, sinh tại Paris và mất tại Luân Đôn. Bà là một triết gia, một nhà tâm linh Kito giáo và là một nhà hoạt động, một phần của Kháng chiến Pháp trong Thế chiến II. Cả cuộc đời bà có mặt khắp nơi nào có hiện diện của kẻ yếu, và luôn canh cánh trong lòng chia sẻ những nỗi lầm than của người bất hạnh.
- 19/11/2023
- 00:20′
THƯ THỨ I
Ngày 19 tháng giêng năm 1942.
Kính Cha.
Con quyết định viết thư hầu Cha… để kết thúc ít ra là cho đến khi có gì thay đổi – những cuộc đàm luận liên hệ đến trường hợp con. Con đã thấy mệt mỏi khi nói về con với Cha, bởi đó là một đề tài khốn khổ ; nhưng con buộc lòng nói đến vì sự lợi ích mà Cha đã mang đến cho con vì lòng bác ái.
Mấy hôm nay con đã tự vấn mình về thánh ý Thượng Đế, con đã tự hỏi đó là gì và bằng cách nào người ta có thể thích hợp với thánh ý một cách hoàn hảo. Con sẽ thưa với Cha những điều con nghĩ về thánh ý.
Cần phân biệt ba lãnh vực. Trước tiên là lãnh vực không tùy thuộc vào chúng ta một cách tuyệt đối: lãnh vực này gồm tất cả những việc đã được thực hiện trên khắp hoàn vũ ngay trong lúc này rồi đến những gì đang trên đường hoàn tất hay sẽ được hoàn tất sau này, ở ngoài tầm thực hiện của chúng ta. Trong lãnh vực này những gì xảy ra thực sự đều là thánh ý Thượng Đế, mà không có ngoại lệ nào. Vì thế trong lãnh vực này phải tuyệt đối yêu thương tất cả, trong toàn thể và trong chi tiết, kể cả những điều ác dưới mọi hình thức; nhất là những tội lỗi thuộc về quá khứ vì chúng đã thuộc về quá khứ (vì phải ghét hận chúng chừng nào cội rễ của chúng còn là hiện tại), những khổ đau trong quá khứ, hiện tại và tương lai, và điều thoạt trông có vẻ khó khăn nhất: những khổ đau của người khác, chừng nào ta chưa được kêu gọi làm dịu bớt khổ đau của họ. Nói cách khác phải cảm được thực tại Thượng Đế và sự hiện diện của Ngài qua tất cả những sự vật ngoại giới không chừa một thứ gì, cảm một cách rõ rệt như bàn tay cảm thấy độ cứng mềm của tờ giấy qua quản bút và ngòi bút.
Lãnh vực thứ hai là lãnh vực đặt dưới sự thống ngự của ý chí. Nó gồm những sự vật thuần tự nhiên, gần gủi, có thể tượng trưng một cách dễ dàng nhờ vào trí tuệ và óc tưởng tượng; giữa những sự vật đó, chúng ta có thể chọn lựa, sắp đặt, và kết hợp từ ngoài những phương tiện cố định nhằm đến những cứu cánh nhất định và hữu hạn. Trong lãnh vực này, phải thực hiện không nao núng và không hạn kỳ tất cả những gì là bổn phận một cách minh nhiên. Lúc không một bổn phận nào hiện ra một cách rõ rệt, chúng ta phải khi thì quan sát những qui luật được chọn lựa với ít nhiều độc đoán nhưng cố định, khi thì theo khuynh hướng, nhưng theo trong một phạm vi giới hạn. Vì một trong những hình thức nguy hiểm nhất của tội lỗi, hay hình thức nguy hiểm nhất, có lẽ gồm trong việc đặt vô hạn vào trong một lãnh vực nhất thiết hữu hạn.
Lãnh vực thứ ba là lãnh vực những sự vật không thuộc quyền thống ngự của ý chí, không liên hệ đến những bổn phận tự nhiên, nhưng cũng không hoàn toàn độc lập với chúng ta. Trong lãnh vực này, chúng ta chịu một sự cưỡng bức từ phía Thượng Đế, với điều kiện chúng ta xứng đáng nhận chịu và trong phạm vi chính xác cho chúng ta xứng đáng. Thượng Đế ban thưởng những linh hồn nào hướng về Ngài với tình yêu thương và sự cẩn trọng, và Ngài ban thưởng bằng cách áp dụng trên nó một cưỡng bách tỷ lệ với sự cẩn trọng và tình yêu mến. Phải tự hiến dưới đà thúc đẩy đó, đi đến điểm chuẩn xác mà đà thúc đẩy đưa ta đến, và không bước thêm một bước nào, dù là về hướng sự thiện. Đồng thời, phải tiếp tục nghĩ đến Thượng Đế luôn luôn với nhiều yêu mến và chăm chút hơn nữa, nhờ vào đó để được đẩy đi xa hơn mãi mãi, được là đối tượng của một sức cưỡng bách đang dần dà bất tuyệt chiếm lĩnh linh hồn ta. Khi sức cưỡng bách chiếm trọn linh hồn, người ta ở vào trạng thái toàn hảo. Nhưng dù trong mức độ nào, ta cũng không được đi xa hơn điểm mà ta bị đẩy tới một cách bất khả kháng, cả khi ta nhằm đến sự thiện.
Con cũng đã tự hỏi về bản chất của những thánh lễ, và con cũng sẽ thưa với Cha điều con nghĩ về chúng.
Thánh lễ có một giá trị đặc biệt làm nên một mầu nhiệm, vì chúng bao hàm một loại tiếp xúc với Thượng Đế, một tiếp xúc huyền bí, nhưng có thật. Đồng thời chúng có một giá trị hoàn toàn nhân vi, khi được xem như những biểu tượng và những nghi lễ. Dưới khía cạnh thứ hai này, chúng không thiết yếu khác biệt với những bài ca, những điệu bộ và những khẩu hiệu của một vài đảng phái chính trị; ít ra tự chúng không thiết yếu khác biệt nhau, cố nhiên chúng khác biệt nhau vô cùng về lý thuyết mà chúng quy chiếu. Con tin rằng phần đông các tín đồ chỉ xem thánh lễ như những tượng trưng và những lễ lạc, kể cả một số người được thuyết phục trái lại. Lý thuyết của Durkheim dù ngớ ngẩn cách mấy khi trộn lẫn hiện tượng xã hội và hiện tượng tôn giáo vẫn hàm chứa một sự thật; đó là cảm thức xã hội giống đến độ có thể lầm lẫn với cảm thức tôn giáo. Chúng giống nhau như một viên kim cương giả giống một viên kim cương thật. Chúng có thể làm cho những người không có một óc phân biệt siêu nhiên lầm lẫn một cách dễ dàng. Vả lại sự tham dự của xã hội và của con người vào thánh lễ xét như những lễ lạc và tượng trưng là một điều tối hảo và ích lợi, với tính cách giai đoạn, cho những người mà lối đi đã vạch sẵn trên con đường đó. Tuy nhiên, đấy không phải là một tham dự vào thánh lễ như là thánh lễ. Con tin rằng chỉ những người vượt lên trên một trình độ tâm linh nào đó mới có thể dự phần vào thánh lễ đúng nghĩa. Những người ở dưới trình độ đó, dù họ có làm gì, thì bao lâu chưa đạt đến trình độ kia, họ vẫn chưa thực sự thuộc về Giáo hội.
Về phần con, con nghĩ mình ở dưới trình độ đó. Chính vì thế, con đã từng thưa với Cha hôm nọ rằng con tự xem mình như không xứng đáng nhận những thánh lễ. Ý tưởng đó, như Cha đã tin, không phát sinh từ một sự thận trọng quá đáng. Nó được xây một phần trên ý thức về những lỗi lầm rõ rệt trong những hành vi và những liên hệ với loài người, những lỗi lầm trọng đại và cả đến đáng xấu hổ mà chắc chắn là Cha sẽ phán đoán y như thế, và những lỗi lầm đó lại rất thường xuyên; phần khác, trên một cảm thức tổng quát về sự khiếm khuyết. Không phải con nói như thế vì khiêm cung, vì nếu con có được đức khiêm cung, đức tính có lẽ tốt đẹp nhất, con đã không ở trong trạng thái thiếu thốn thảm hại này.
Để kết thúc về chuyện của con, con tự nhủ điều này. Nguyên nhân cấm cản đã giữ con lại bên ngoài Giáo hội hoặc đã do bởi tình trạng bất toàn mà con đang chịu, hoặc đã do bởi sự kiện là sứ mệnh của con và thánh ý của Thượng Đế đối lập nhau. Trong trường hợp đầu, con không thể trực tiếp cứu vãn sự bế tắc đó, mà chỉ gián tiếp cứu vãn bằng cách trở nên kém bất toàn hơn, nếu ơn trên giúp đỡ. Để được như vậy chỉ có cách là một đàng cố tránh những lỗi lầm trong lãnh vực những sự việc tự nhiên, đàng khác, luôn luôn gia tăng tình yêu mến và sự chú tâm vào ý tưởng về Thượng Đế. Nếu thiên ý của Thượng-Đế là con sẽ gia nhập Giáo hội thì Thượng-Đế sẽ cho con ý muốn ấy ngay khi con xứng đáng để người ban cho.
Trong trường hợp thứ hai, nếu thiên ý Thượng Đế là không cho con gia nhập, thì làm sao con gia nhập được? Con biết rõ điều Cha thường nhắc nhở, rằng sự rửa tội là con đường chung của cứu rỗi – ít ra là trong những xứ Ky tô giáo – và tuyệt đối không có một nguyên do nào biện hộ cho việc con đi theo một con đường biệt lệ, điều đó hiển nhiên. Nhưng mặc dầu vậy, trong trường hợp thực sự con không được quyền đi qua con đường đó, thì làm sao con có thể đi qua? Nếu có thể quan niệm được rằng người ta tự đày đọa mình khi vâng theo ý Thượng-Đế và tự cứu rỗi khi bất tuân, con vẫn chọn sự tùng phục.
Theo con nghĩ dường như thánh ý Thượng Đế không phải là con gia nhập Giáo hội lúc nầy. Bởi, con đã thưa với Cha, và điều đó bây giờ vẫn còn đúng thực, sự cấm cản đã giữ con lại ở bên ngoài Giáo hội đó, con vẫn cảm thấy nó không kém phần mãnh liệt cả trong những khi con chú tâm cầu nguyện, yêu mến Thượng-Đế, so với những lúc bình thường. Tuy nhiên con cũng vui sướng vô cùng khi nghe Cha bảo rằng những ý nghĩ của con như con đã trình bày cùng Cha không xung khắc gì với sự gia nhập Giáo hội, và vì thế trong tinh thần, con không xa lạ với Giáo hội.
Con không thể ngăn cấm mình tiếp tục tự hỏi rằng phải chăng trong thời mà một phần rất lớn nhân loại đang bị dìm ngập bởi duy vật thuyết như thời hiện đại, Thượng-Đế không muốn có những con người, đàn ông hay đàn bà, tự phó mình cho Thượng-Đế và Chúa Ky tô những vẫn ở ngoài Giáo-hội.
Dù thế nào, khi con hình dung một cách cụ thể hành động gia nhập Giáo hội của con như một điều sắp sửa xảy ra, thì không có ý tưởng nào làm con khổ sở hơn ý tưởng tự tách mình ra khỏi đám người lương rộng lớn đang khốn khổ. Nhu cầu khẩn thiết của con, có thể gọi thiên mệnh của con, là sống giữa những con người và những môi trường khác biệt bằng cách hòa lẫn vào đời sống của họ, cùng mang với họ một sắc mầu, ít nhất là trong mức độ mà ý thức không chống đối, tan biến giữa họ, để được thấy họ trong những thực thể không dấu diếm, che đậy, giả trang. Con muốn biết con người như vậy để yêu thương họ tự bản chất của họ. Bởi nếu con không thương yêu họ trong nguyên thể, thì con chưa thương yêu chính họ, và tình yêu của con không có thực. Con không nói đến chuyện giúp đỡ họ vì điều đó, than ôi, cho đến bấy giờ con vẫn hoàn toàn bất lực. Con nghĩ rằng dù bất cứ trong trường hợp nào con vẫn chẳng bao giờ gia nhập Giáo hội, để không tự tách rời mình khỏi một lớp người thông thường. Có những người đối với họ sự tách biệt này không mấy phiền phức vì tự họ đã xa cách với người thường bằng sự trong sạch tự nhiên của tâm hồn họ. Đối với con trái lại, con tin là đã thưa với Cha rồi, con mang trong mình mầm mống của tất cả các tội ác hay gần như thế. Con đã bắt chợt thấy điều đó trong một lần du lịch, trong những hoàn cảnh mà con đã kể cho Cha nghe. Những tội ác làm cho con kinh hoàng, nhưng không làm con ngạc nhiên; con cảm thấy tận đáy lòng rằng chính con cũng có thể làm như vậy. Chính vì con cảm thấy trong chính mình sự khả hữu những tội ác cho nên chúng làm con sợ hãi. Xu hướng tự nhiên đó thật nguy hiểm và rất đau đớn, nhưng cũng như mọi xu hướng tự nhiên, nó có thể ích lợi nếu biết sử dụng một cách thích ứng với sự trợ giúp của thánh ân. Nó đòi hỏi một thiên chức là có thể sống một cách vô danh và đủ năng khiếu để tự hòa mình bất cứ lúc nào vào tập thể tầm thường. Thế mà ngày nay trạng thái tinh thần của quần chúng đi đến độ có một giới hạn rất rõ rệt, một phân ly vĩ đại giữa một người ngoan đạo và một kẻ bất tín rõ rệt và vĩ đại hơn cả sự cách biệt giữa một người tu hành và một người thế tục.
Con biết rằng Chúa Ki Tô đã dạy: “Ai hổ thẹn vì ta trước loài người thời ta cũng sẽ phải vì kẻ đó mà xấu hổ trước Cha của ta”.
Nhưng hổ thẹn vì Chúa Ky Tô có lẽ không có nghĩa là không gia nhập Giáo hội trong mọi trường hợp và cho mọi người. Đối với một số người điều đó có thể chỉ có nghĩa là không thực hiện những lời dạy của Thiên chúa, không làm tỏa rạng tinh hoa của Chúa, không làm sáng danh Chúa khi gặp dịp, không sẵn sàng để chết do lòng trung thành với Chúa. Con đã liều lĩnh xúc phạm Cha để nói lên sự thật, mặc dù đó là điều làm con vô cùng áy náy. Con mến yêu Thiên Chúa, đấng Ky Tô và đức tin Công giáo bằng tất cả tình yêu của một người thiếu thốn đến khổ sở. Con mến yêu các vị Thánh qua những lời họ truyền lại và những mẩu chuyện dính líu đến đời sống họ – trừ một vài vị mà con không thể yêu thương hoàn toàn cũng như không thể xem là Thánh. Con yêu sáu hay bảy người Công giáo có một trình độ tâm linh đích thực mà sự tình cờ đã xui con gặp gỡ trên đời. Con thích nghi thức, những bài ca, kiến trúc, những lễ lược tế tự Công giáo. Nhưng nói cho đúng, con chẳng thích Giáo hội, ngoài sự liên hệ của Giáo hội đối với tất cả những gì con thích trên. Con có thể cảm thông được với những người có tình yêu đó, nhưng tự con, con không cảm thấy có tình yêu như vậy. Con biết rằng tất cả các vị Thánh đều cảm thấy tình yêu đó. Nhưng hầu hết các vị đều cũng sinh ra và lớn lên trong Giáo hội. Dầu sao mặc lòng, người ta không thể nào dâng hiến một tình yêu do ý chí sai khiến. Điều duy nhất con có thể nói là, nếu tình yêu đó hàm ẩn một điều kiện tiến hóa tâm linh, điều mà con không được biết, hoặc nếu nó nằm trong thiên mệnh của con, con ước mong rằng một ngày kia nó sẽ đến với con.
Có thể một phần những ý nghĩ con vừa trình bày cùng Cha là xấu xa hão huyền. Nhưng không can chi, vì sau những suy niệm như trên con đã đi đến một kết luận: con quyết định dứt khoát rằng sẽ không nghĩ gì nữa về việc gia nhập Giáo hội trong hiện tại.
Rất có thể sau khi hoàn toàn không nghĩ đến điều đó trong suốt những tuần, những tháng hay những năm, một ngày kia con sẽ chợt cảm nghe sức thúc dục bất khả kháng buộc phải xin rửa tội ngay, và khi ấy con sẽ tất tả xin: Bởi đường đi của ân sủng trong lòng người là một con đường huyền bí và thầm lặng.
Cũng có thể đời con sẽ chấm dứt khi mà con chưa hề cảm nghe sự thúc dục đó. Nhưng có một điều chắc chắn tuyệt đối. Đó là nếu một ngày kia con đủ yêu Thượng Đế để xứng đáng với ân sủng của Ngài, con sẽ nhận lấy ân sủng đó ngay, một cách không nao núng, dưới hình thức nào mà Thượng Đế muốn, hoặc bằng phương tiện rửa tội, hoặc bằng bất cứ cách nào khác. Cho đến khi ấy tại sao con phải lo âu? Việc của con không phải là tự nghĩ đến mình, việc của con là nghĩ đến Thượng Đế. Và nghĩ về con là việc của Thượng Đế.
Thư đã quá dài. Một lần nữa con đã làm mất quá nhiều thì giờ của Cha mà đáng ra không cần. Con xin Cha tha lỗi cho về lá thư dài này. Song dù sao thì nó đã gói một lời kết thúc ít ra là tạm thời.
Mong Cha tin ở lòng biết ơn sâu đậm của con.
SIMONE WEIL.