The Cricket Project

I came I saw I read.

Thế giới Câu từ và Thực tại

Italo Calvino

Italo Calvino

Nhà văn và phóng viên người Ý

Tôi thuộc về một nhóm người, sẽ thật là nói quá nếu cho rằng họ chiếm phần lớn tổng dân số Trái Đất hiện nay, nhưng ở trong cộng đồng của tôi, họ chính là những người mà tôi thường xuyên có cơ hội chạm mặt và tiếp xúc nhất. Đó là một nhóm người dành phần lớn thời gian thức tỉnh trong ngày phiêu bạt trong một thế giới đặc biệt, một thế giới được cấu thành từ các dòng kẻ ngang – nơi mà con chữ nối tiếp con chữ, câu từ và đoạn văn chiếm trọn – thế giới của câu từ: một vùng đất rộng lớn, mà đôi lúc ta nghĩ thế giới thực tại chỉ là một hạt sương nhỏ đậu trên cành lá của nó; nhưng điều này lại khiến tôi phải thay đổi bản thân mình một chút để có thể yên vị tại nơi đây. Khi tôi rời khỏi thế giới câu từ để trở về nơi còn lại, mà vốn thường hay được gọi là thế giới thực, được tạo dựng bởi không gian ba chiều và năm giác quan, nơi mà hàng tỷ đồng loại của chúng ta đang sinh sống, đối với tôi – lần nào cũng vậy – giống như chuỗi lặp lại những tổn thương của việc ra đời, định hình thực tại có thể nhận thức được thành một chuỗi các cảm giác bối rối, và chọn một chiến thuật để đối đầu với những điều không lường trước được mà không lo sợ bản thân bị hủy hoại. 

Sự ra đời mới mẻ này luôn song hành với những nghi thức đặc biệt mà dẫn lối tới một cánh cửa đi qua cuộc đời khác: ví dụ, nghi thức đeo kính của tôi, vì tôi là một người bị chứng cận thị và không thể đọc được nếu không có kính. Tuy nhiên với đám đông viễn thị, nghi thức diễn ra ngược lại, đó là họ sẽ không dùng kính để đọc sách.

Mỗi nghi thức của đoạn văn tương ứng với một sự thay đổi trong thái độ tâm lý. Khi đọc, tôi muốn mọi câu phải thật dễ hiểu, ít nhất là về mặt câu chữ (nghĩa đen), và nó phải khiến tôi thấy rằng: những gì tôi vừa đọc là đúng hay sai, mang lại cảm giác dễ chịu hay khó chịu. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường ngày, luôn có những sự vụ đi ra khỏi cả khả năng thấu đạt của tôi, từ những thứ chung nhất cho đến những thứ tầm thường nhất: tôi thường phải đối mặt với những sự vụ mà tôi không biết phải bày tỏ ý kiến như nào, và nếu như vậy thì tôi sẽ thường tránh việc đưa ra phán xét của mình.

Trong lúc chờ đợi thế giới thực tại trở nên rõ ràng hơn trong mắt mình, thế giới câu từ như lại dễ dàng hơn: tôi hoàn toàn có thể quay trở lại trang sách đang đọc dở của mình. Tôi rất nóng lòng để làm điều đó, với một sự thỏa mãn tột cùng: vì đơn giản là, nếu như tôi chỉ hiểu được một chút cái mình đang đọc, tôi vẫn có thể nuôi một thứ ảo ảnh trong thâm tâm rằng mọi thứ đều đang được kiểm soát.

Tôi nghĩ rằng vào thời tôi còn trẻ, mọi thứ cũng diễn ra tương tự như vậy, nhưng tại khoảnh khắc tôi cho rằng thế giới câu từ và thế giới thực tại giải nghĩa cho nhau; rằng trải nghiệm trong thế giới thực và trải nghiệm đọc bằng một cách nào đó tương trợ lẫn nhau, và mỗi bước chân lấn sâu hơn vào một thế giới cũng đồng nghĩa với việc ta đang song song bước tiếp trong thế giới còn lại. Ngày hôm nay, tôi có thể nói rằng tôi đã biết rõ về thế giới câu từ hơn tôi đã từng trong quá khứ: bên trong những trang sách, trải nghiệm luôn khả thể, nhưng vượt qua những dòng lề trắng của trang giấy ư, tôi e là ta sẽ không tìm thấy được thêm một thứ trải nghiệm nào khác nữa. Thay vào đó, những gì xảy ra trong thế giới thực tại xung quanh tôi chưa bao giờ ngừng khiến tôi ngạc nhiên, ghê sợ, và làm tôi chệch hướng. Tôi đã chứng kiến nhiều thay đổi trong cuộc đời mình, diễn ra trong thế giới rộng lớn, trong xã hội, và kể cả trong bản thân tôi đây; thế nhưng, tôi đâu nào có dự đoán trước được những thứ sắp tới, đối với bản thân tôi và những người tôi biết, thậm chí còn chưa đề cập đến tương lai của loài người. Tôi không thể dự đoán được mối tương quan sắp tới giữa các giới tính, thế hệ, những sự phát triển của xã hội, thành phố và quốc gia, những dạng hình mới của hòa bình hay chiến tranh, tầm quan trọng của đồng tiền, những thứ đồ quen thuộc nào với ta sẽ biến mất, hay được sử dụng với một công năng hoàn toàn mới, loại phương tiện hay máy móc nào sẽ được sử dụng, tương lai của biển cả, của sông suối, các loài động – thực vật sẽ ra sao. Tôi biết rất rõ rằng mình có chung sự thiếu hiểu biết này với những người, trái ngược lại, cho rằng mình biết tất thảy: đám nhà kinh tế học, xã hội học và chính trị gia. Nhưng sự thực rằng tôi cũng là người thiếu hiểu biết giống mọi người xung quanh lại chẳng khiến tôi thấy khá khẩm hơn là bao.

Tôi sẽ tìm cho mình sự dễ chịu trong suy nghĩ rằng văn chương đã luôn hiểu rõ mọi thứ hơn những lĩnh vực khác, tuy nhiên điều này khiến tôi nhớ lại về việc cố nhân đã nhìn ra được cả một bầu trời tri thức bên trong những ký tự, và tôi chợt hiểu rằng những ý tưởng về sự thông thái ngày nay xem chừng khó có thể đạt được như thế nào.

Tại điểm này, bạn có thể hỏi tôi rằng: Nếu ông nói thế giới thực của ông là những trang giấy, nếu như ông chỉ thấy dễ chịu khi mình được ở trong đó, vậy tại sao ông lại muốn rời khỏi? Tại sao lại muốn phiêu bạt trong thế giới rộng lớn này – nơi mà ông không thể làm chủ và kiểm soát được? Câu trả lời đơn giản thôi: Là để viết. Bởi lẽ tôi là một nhà văn. Những gì mà người ta kỳ vọng ở một nhà văn như tôi là dõi theo đời sống xung quanh và bắt lại được hình ảnh chớp nhoáng về những gì đang xảy ra, rồi quay trở lại và cặm cụi trên chiếc bàn của mình, viết cho ra một thứ gì đó. Để khởi động lại nhà máy ngôn từ của mình, tôi cần phải tiếp nhiên liệu mới từ những cái giếng vô tận của thế giới thực tại.

Nhưng hãy nhìn kĩ hơn vào cách mọi vật đứng vững đi. Liệu đó có thật sự là cách mọi thứ diễn ra? Những dòng chảy chính yếu của triết học hiện tại sẽ cho rằng: Không, không một thứ gì trong đây đúng cả. Tâm trí của nhà văn trở nên ám ảnh bởi những thế đối lập của hai dòng chảy triết học. Dòng chảy đầu tiên cho rằng: Thế giới không tồn tại; chỉ có ngôn ngữ mới tồn tại. Dòng chảy còn lại cho rằng: Ngôn ngữ chung không có ý nghĩa gì cả; không có thứ gì có thể diễn tả được thế giới này. 

Đối với dòng chảy đầu tiên, tính trọng đại của ngôn ngữ được nâng tầm lên khỏi một thế giới của những cái bóng; và với dòng chảy thứ hai, đó là thế giới lu mờ như một bức tượng nhân sư bằng đá câm lặng trên một sa mạc ngôn từ, giống như cát bị gió cuốn đi. Những đầu nguồn chính của dòng chảy thứ nhất đến từ Paris trong suốt 25 năm qua; còn dòng chảy thứ hai đã trôi nổi từ Vienna từ đầu thế kỷ và đã kinh qua đủ thứ thay đổi, để rồi cũng đón nhận lại sự công nhận chung trong những năm gần đây tại Ý. Cả hai triết học này đều có những luận điểm vững chắc của riêng chúng. Cả hai đều đại diện cho một thử thách đối với nhà văn: cái đầu tiên yêu cầu việc sử dụng ngôn ngữ mà chỉ phản hồi lại với chính nó, với nội luật của nó; cái thứ hai yêu cầu một thứ ngôn ngữ có thể chấp nhận sự tĩnh lặng của thế giới. Cả hai đều bùng tỏa sự hấp dẫn và tầm ảnh hưởng của chúng lên tôi. Điều đó có nghĩa rằng tôi không đi theo một trong hai dòng chảy, rằng tôi không tin vào chúng. Vậy thì, tôi tin vào thứ gì đây?

Hãy cùng xem liệu tôi có thể tranh thủ được thời cơ trong tình huống khó khăn này không. Trước hết, nếu chúng ta cảm thấy một cách mạnh mẽ về sự không tương hợp giữa thế giới câu từ và thế giới thật, đó là bởi chúng ta nhận thức được rõ ràng về thế giới câu từ là gì: chúng ta không thể quên được – dù chỉ là một giây – rằng đó là một thế giới được cấu tạo bởi câu từ, được sử dụng dựa trên những kỹ thuật và cách triển khai thích hợp với ngôn ngữ, và với những hệ thống đặc biệt mà ý nghĩa cũng như mối tương quan giữa các ý nghĩa được sắp gọn. Chúng ta nhận thức được rằng khi một câu chuyện được kể cho mình (phần lớn tất cả các văn bản viết đều kể một câu chuyện, kể cả là một bài triết văn, một bảng cân đối kế toán của tập đoàn hay một công thức nấu ăn), câu chuyện này được khởi đầu bởi một cơ chế tương tự như cơ chế của tất cả những câu chuyện khác.

Đây là một bước tiến lớn: chúng ta bây giờ có thể né tránh được những sự bối rối giữa việc cái gì mang tính ngôn ngữ và cái gì không, và bởi vậy ta có thể nhìn rõ mối quan hệ giữa hai thế giới.

Những gì cần phải làm còn lại chỉ là kiểm tra chéo, và xác nhận rằng thế giới bên ngoài vẫn luôn ở đó và không phụ thuộc vào câu từ, đúng hơn là, không thể rút gọn về mặt câu chữ; và không một ngôn ngữ, một cách viết nào có thể làm cạn kiệt nó. Tôi chỉ còn cách quay lưng lại với những câu từ đọng lại trong sách vở, mà bám víu vào thế giới bên ngoài, mong muốn được chạm tới cõi cùng tận của im lặng, một sự im lặng thật sự tràn đầy ý nghĩa…nhưng làm thế nào để tới được đó?

Có một số người, để giao tiếp với thế giới bên ngoài, đã làm một cách đơn giản là mua báo vào mỗi sáng. Tôi không phải là kẻ ngây ngô như vậy. Tôi biết rằng từ những tờ báo đó, là một thế giới dựng tạo bởi những người khác, hoặc đúng hơn là, dựng tạo bởi một cỗ máy ẩn danh – là một chuyên gia trong việc lựa chọn ra trong vô vàn những sự kiện, những điều mà có thể được chuyển hóa thành “tin tức”.

Một số khác, để thoát khỏi sự nắm giữ của thế giới câu từ, chọn cách bật vô tuyến lên. Nhưng tôi biết rằng tất cả những hình ảnh đó, kể cả có được lấy trực tiếp từ trong cuộc sống thường ngày, đều là một phần của câu chuyện được gây dựng nên, giống như những câu chuyện trên báo. Vì vậy tôi không mua báo, cũng không bật vô tuyến. Thay vào đó, một chuyến đi dạo ra ngoài sẽ luôn là sự lựa chọn tối ưu của tôi. 

Nhưng những gì tôi nhìn thấy trên những con phố vốn đã có vị trí của chúng-đặt-trong-bối-cảnh những luồng thông tin đồng nhất. Thế giới này mà tôi quan sát – chính là cái mà con người ta hay gọi là thế giới, hiện lên trong con mắt của tôi – phần lớn đã bị chinh phục và thuộc địa hóa bởi ngôn từ, một thế giới bao trùm lên nó bởi một lớp diễn ngôn dày đặc. Những sự thật trong cuộc đời chúng ta đã vốn được phân loại, phán xét, đàm tiếu, ngay cả trước khi chúng diễn ra. Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi mọi thứ đã được đọc kể cả trước khi chúng thực sự tồn tại.

Không chỉ những thứ mà chúng ta thấy, ngay cả đôi mắt của ta cũng trở nên bão hòa với thứ ngôn ngữ viết. Xuyên suốt nhiều thế kỷ, việc đọc đã biến đổi loài Homo Sapiens trở thành loài Homo legens, nhưng loài Homo legens này không nhất thiết phải thông thái hơn so với tổ tiên của chúng. Người đàn ông thời cổ đại, dẫu không biết đọc nhưng lại biết cách quan sát và lắng nghe những thứ mà chúng ta không thể mường tượng ra: dấu vết của những con thú mà anh ta săn bắt, những dấu hiệu báo trước cơn mưa hay cuồng phong. Anh ta biết được thời gian trong ngày dựa vào cái bóng của cây, thời gian ban đêm dựa vào khoảng cách của vì sao tới đường chân trời. Và khi so sánh về khả năng thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác – không còn nghi ngờ gì nữa về sự ưu việt của người đàn ông đó so với chúng ta. 

Tuy nhiên, tôi nên đính chính ở đây rằng tôi không có đề xuất chúng ta quay trở lại thời kỳ mù chữ để khôi phục kiến thức của các bộ tộc Đồ Đá Cũ. Tôi cảm thấy nuối tiếc về những gì ta đã đánh mất, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên rằng: những cái được vẫn luôn lớn hơn những mất mát. Thứ mà tôi đang cố hiểu là chúng ta có thể làm được gì trong thực tại này.

*

Tôi cần phải đề cập về những khó khăn đặc biệt mà tôi đã gặp với tư cách là một người Ý, trong mối tương quan của tôi với thế giới và với ngôn ngữ, đó là với tư cách một nhà văn đến từ một đất nước luôn chống lại những nỗ lực để hiểu được chính nó. Ý là một nơi nhiều thứ kỳ bí xảy ra, vốn được thảo luận và bình luận sôi nổi hàng ngày, nhưng lại chẳng được giải quyết bao giờ; nơi mà mỗi sự kiện lại giấu trong nó một mưu đồ bí ẩn, vốn là một bí ẩn và mãi là một bí ẩn; nơi mà mỗi câu chuyện sẽ tiếp nối không ngừng bởi không rõ khởi đầu, nhưng ta lại có thể tận hưởng vô vàn thứ chi tiết giữa cái khởi đầu và cái kết thúc đó. Ý là một đất nước nơi xã hội trải qua những đổi thay rất đột ngột, kể cả trong thói quen và tập tục: quá nhanh tới mức ta không thể nhận ra mình đang đi theo hướng nào, và mỗi sự thực mới lại biến mất, nhấn chìm trong cơn tuyết lở của những lời phê bình và cảnh báo sự suy đồi và thảm họa, hoặc bởi tuyên bố về sự thỏa mãn đối với khả năng truyền thống của chúng ta để vượt qua và sống sót.

Vậy, những câu chuyện mà ta kể được đánh dấu, một mặt bởi thứ cảm giác về cái chưa biết, mặt khác, bởi một nhu cầu về cấu trúc, về những đường kẻ được vẽ cẩn thận, về tính hài hòa và hình học; đây là cách chúng ta phản ứng lại đối với dòng cát đang chảy dưới chân mình.

Đối với ngôn ngữ, nó đã bị ảnh hưởng bởi một thứ dịch bệnh. Tiếng Ý đang ngày càng trở nên trừu tượng, nhân tạo và khó hiểu; ngay cả những thứ đơn giản nhất cũng dùng đến một lối nói dài dòng, gián tiếp, những danh từ cụ thể hiếm khi được sử dụng. Thứ dịch bệnh này trước hết đã ảnh hưởng tới các chính trị gia, giới quan liêu và tri thức, và dần dà trở nên đại chúng hơn, khi mà các đám đông bắt đầu có những nhận thức về chính trị và tri thức. Nhiệm vụ của nhà văn là chống lại thứ bệnh dịch này, đảm bảo sự tồn tại của một thứ ngôn ngữ cụ thể, trực tiếp. Nhưng vấn đề là thứ ngôn ngữ đời thường, cho tới ngày hôm qua vẫn còn là nguồn sống mà các nhà văn bám víu vào, đã không còn khả năng chống lại sự lây nhiễm này.

Theo cách khác, tôi tin rằng người Ý chúng tôi đang trong một tình trạng lý tưởng để liên kết khó khăn hiện tại của mình trong việc viết tiểu thuyết tới những chiêm nghiệm về ngôn ngữ và thế giới.

Một xu hướng toàn cầu quan trọng trong văn hóa của thế kỷ này, cái mà chúng ta gọi là phương pháp hiện tượng học trong triết học và thủ pháp lạ hóa trong văn chương, khiến chúng ta đập tan màn kính của ngôn từ và khái niệm, nhìn thế giới như thể đây là lần đầu tiên chúng đập vào mắt ta. Tốt thôi, giờ tôi sẽ cố khiến đầu óc của mình trống rỗng, và nhìn vào trong khung cảnh bằng một cái nhìn thoát ra khỏi mọi tiền lệ văn hóa. Điều gì sẽ xảy ra? Cuộc đời của chúng ta đã được lập trình để đọc, và tôi nhận ra mình đang cố để đọc cái khung cảnh đó, đồng cỏ, những con sóng nơi bãi biển. Việc lập trình này không có nghĩa rằng đôi mắt của chúng ta bắt buộc phải đi theo một thứ chuyển động bản năng: nhìn theo một đường đi ngang từ trái sang phải, rồi quay lại phía bên trái thấp hơn một chút, và cứ mãi như thế. (Rõ ràng là tôi đang nói về việc đôi mắt được lập trình để đọc các tác phẩm trình bày theo quy cách phương Tây; những đôi mắt của người Nhật sẽ quen với việc đọc thẳng từ trên xuống dưới hơn.) Hơn hẳn một bài tập thị giác, việc đọc là một quá trình mà bao gồm cả trí óc lẫn đôi mắt làm việc cùng nhau. Một quá trình trừu tượng hóa, hay nói đúng hơn là chiết xuất tính cụ thể bởi những thao tác trừu tượng, như nhận ra các đặc điểm nổi trội, xé vụn những gì chúng ta thấy thành những mảnh nhỏ, sắp xếp chúng lại thành những phân đoạn có ý nghĩa, khám phá xung quanh ta những quy tắc, khác biệt, sự tái diễn, điểm kì dị, sự thay thế và giản lược.

Việc so sánh thế giới và một cuốn sách đã có một lịch sử kéo dài, khởi nguồn từ thời Trung Đại và Phục Hưng. Thứ ngôn ngữ nào được dùng để viết cuốn sách về thế giới? Theo Galileo, đó là ngôn ngữ của toán học và hình học, một thứ ngôn ngữ vô cùng chính xác. Liệu chúng ta có thể đọc cuốn sách thế giới hiện tại theo cách này? Có thể, nếu chúng ta đang nói về những khoảng cách vô cùng tận: các thiên hà, chuẩn tinh, siêu tân tinh. Nhưng đối với thế giới thường ngày của ta, dường như là một thế giới được viết, hay đúng hơn là một bức tranh khảm các ngôn ngữ, giống một bức tường đầy những bức vẽ graffiti, các dòng chữ nối tiếp đuôi nhau, một tấm da cừu có nhiều những vết xóa đi viết lại trên mặt da, một bức collage (một hình thức nghệ thuật cắt ghép ảnh để tạo nên một tác phẩm mới) tổng hợp của Schwitters, một lớp bảng chữ cái của các trích dẫn khác nhau, các thuật ngữ tiếng lóng, các ký tự nhấp nháy như thường thấy trên màn hình máy tính.

Liệu chúng ta có nên cố gắng đạt được sự mô phỏng ngôn ngữ này của thế giới? Một số cây bút quan trọng nhất của thế kỷ đã làm được điều đó: chúng ta có thể tìm được những ví dụ trong các khổ thơ của Ezra Pound, hoặc của Joyce, hoặc trong những đoạn văn đau đầu của Gadda, người mà luôn bị cám dỗ bởi sự ám ảnh của chính mình về việc kết nối mọi chi tiết tới toàn thể vũ trụ.

Nhưng sự mô phỏng này có phải là cách thức đúng đắn không? Tôi bắt đầu từ sự khác biệt không thể dung hòa được giữa thế giới thực và thế giới ngôn từ; nếu như hai ngôn ngữ của họ hòa làm một, lập luận của tôi sẽ sụp đổ. Thách thức thật sự của một nhà văn là lên tiếng về mớ hỗn độn phức tạp trong hoàn cảnh của chúng ta bằng việc sử dụng một thứ ngôn ngữ dường như trong suốt đến mức nó tạo ra một cảm giác về sự ảo ảnh, giống như Kafka đã làm.

*

Có lẽ bước đầu tiên trong việc làm mới mối quan hệ giữa ngôn ngữ và thế giới nên bắt đầu từ việc đơn giản nhất: cố định sự chú ý vào một vật thể bình thường, là thứ tầm thường và quen thuộc nhất với ta, và rồi miêu tả nó một cách tỉ mỉ, như thể đó là thứ mới mẻ và hấp dẫn nhất trong vũ trụ.

Một trong những bài học chúng ta có thể rút ra từ thơ ca hiện đại là việc đầu tư tất cả sự tập trung, mọi nhiệt huyết của ta cho các chi tiết, vào một thứ rất đỗi xa vời khỏi bất cứ hình ảnh con người nào: một vật thể hoặc cái cây, con vật mà ta có thể nhận dạng được cảm giác thực tại, đạo đức, Tôi của ta, giống như William Carlos Williams đã làm với một cây hoa anh thảo, Marianne Moore với một con ốc anh vũ, và Eugenio Montale với một con lươn.

Ở Pháp, kể từ khi Francis Ponge bắt đầu viết thơ văn xuôi về những đồ vật đơn giản như một cục xà bông hay một cục than, vấn đề của “đồ vật trong chính nó” đã tiếp tục ghi dấu những dự án văn chương, thông qua Sartre và Camus, để đạt tới sự biểu đạt toàn thượng trong việc miêu tả một phần tư quả cà chua bởi Robbe-Grillet. Nhưng tôi không nghĩ rằng lời trăn trối đã được nêu ra. Tại Đức trong thời gian gần đây, Peter Handke đã viết một cuốn tiểu thuyết dựa trên hoàn toàn khung cảnh. Và cả ở Ý nữa, một số những cây bút mới mà tôi có đọc đều có cách thức tiếp cận từ thị giác tương tự.

Niềm yêu thích đối với việc miêu tả của tôi cũng là do bởi cuốn sách mới nhất của tôi, Palomar, có rất nhiều chi tiết miêu tả. Tôi cố gắng để biến sự miêu tả đó thành một câu chuyện, tuy nhiên về bản chất vẫn là sự miêu tả. Trong mỗi một câu chuyện ngắn này, một nhân vật chỉ suy nghĩ dựa trên những gì anh ta thấy và hoài nghi trước những suy nghĩ xuất hiện trong đầu anh ta bởi những con đường khác. Vấn đề của tôi trong việc viết cuốn sách này là tôi chưa bao giờ đặt mình trong vị trí của người quan sát; vì vậy việc đầu tiên tôi cần làm là tập trung sự chú ý của mình vào một thứ gì đó và miêu tả nó, hay đúng hơn là làm cả hai việc trong cùng một lúc, bởi lẽ, nếu không làm một người quan sát, ví dụ nếu tôi quan sát một con kỳ đà trong sở thú và tôi không lập tức viết ra những gì mình thấy, tôi sẽ quên hết về chúng.

Tôi phải nói rằng hầu hết những cuốn sách tôi đã viết và những cuốn tôi có ý định viết bắt nguồn từ ý tưởng rằng viết một cuốn sách như vậy dường như là không thể đối với tôi. Khi mà tôi đã được thuyết phục rằng một số loại sách cụ thể hoàn toàn nằm ngoài khỏi kỹ thuật cũng như tính khí của mình, tôi ngồi xuống ghế và bắt đầu viết nó.

Đó là những gì đã xảy ra với cuốn tiểu thuyết Nếu một đêm đông có người lữ khách của tôi: tôi bắt đầu bằng việc tưởng tượng ra tất cả những loại tiểu thuyết mà mình sẽ không bao giờ viết; và rồi tôi cố gắng để viết chúng, để đánh thức trong tôi nguồn năng lượng sáng tạo của mười nhà tiểu thuyết giả tưởng khác.

Một cuốn sách khác mà tôi đang viết nói về năm giác quan, để chứng minh rằng con người hiện đại đã mất khả năng sử dụng chúng. Vấn đề của tôi trong việc viết cuốn sách này là thính giác của tôi không thực sự tốt lắm, tôi không có khả năng lắng nghe giỏi, tôi không phải là người sành ăn, xúc giác của tôi cũng chỉ ở mức tạm, và tôi còn bị cận. Với mỗi một giác quan, tôi phải nỗ lực để khiến mình có thể thông thạo được một loạt các sắc thái và cảm giác khác nhau. Tôi không biết là mình có thành công không, nhưng trong trường hợp này – cũng giống như mọi trường hợp khác, đích đến của tôi không phải là viết ra một cuốn sách để thay đổi bản thân mình, vốn là một mục tiêu mà tôi nghĩ mọi sự nỗ lực của con người nên hướng tới.

Bạn có thể phản đối rằng bạn thích những cuốn sách truyền tải một trải nghiệm thực, dễ nắm bắt hoàn toàn hơn. Ồ, tôi cũng vậy thôi. Nhưng trong trải nghiệm của tôi, động lực để viết luôn luôn kết nối với việc ta thiếu một thứ gì đó, một thứ ta muốn biết và sở hữu, thứ gì đó vượt ra khỏi chúng ta. Và bởi tôi đã quen với thứ động lực kiểu đó, dường như tôi cũng có thể nhận ra nó trong những nhà văn vĩ đại, mà tiếng nói của họ như chạm tới chúng ta từ đỉnh cao của một trải nghiệm tuyệt đối. Những gì họ truyền tải là một thứ cảm giác tiếp cận với trải nghiệm, hơn là một cảm giác đạt được trải nghiệm đó; bí mật của họ nằm ở việc biết cách giữ cho sức mạnh của đam mê được nguyên vẹn.

Ở một khía cạnh nào đó, tôi tin rằng chúng ta luôn viết về những gì mình không biết: ta viết để khiến nó trở nên khả thi đối với thế giới thực tại trong việc thể hiện chính nó thông qua chúng ta. Trong thời điểm hiện tại, sự chú ý của tôi đã dịch chuyển từ thứ tự thường nhật của những dòng văn sang sự phức tạp di động mà không câu chữ nào có thể chứa đựng và sử dụng hết, tôi cảm thấy gần hơn với việc hiểu rằng tại phía bên kia của câu từ, tại nơi sự im lặng vẫn ngự trị, thứ gì đó đang cố gắng trỗi dậy, để báo hiệu thông qua ngôn ngữ, giống như gõ vào bức tường của một nhà tù.


Posted

in

,

by