Quế Chi
- Que Chi
- 29/08/2023
- 00:05′
Huyền ảo nào hướng ta về Thượng Đế?
Thắng khổ luỵ trần gian
Bất hạnh thay kẻ tin mình có thể
Dựng tình mình trên tình của nhân gian.
Thú thực, đọc “Khung cửa hẹp” với tôi là một trải nghiệm ngột ngạt như chính tên cuốn tiểu thuyết. Một lối đi tiến gần, tiến mãi, vô hạn, liên miên, càng đi càng hẹp, đó là con đường mà Thượng Đế chỉ dấu, con đường của đức hạnh, của một ý niệm cao cả vượt lên tình yêu. Khung cửa hẹp in lên dấu chân của những linh hồn đã du ngoạn rất xa, ra khỏi đời sống để tiến đến đời sống. André Gide đã đưa Alissa vào một nỗi niềm khao khát mà hẳn nàng luôn xem rằng đó là sứ mệnh nàng phụng sự: đi qua Khung cửa hẹp, tiến đến một tình yêu lớn lao, cao thượng hơn mọi tình giai nhân trên thế gian này. Nàng gọi đó là đức hạnh, là hạnh phúc, là Nguồn Sống, với một lòng trung thành say mê đau đáu của một con chiên nhận lấy lời răn dạy từ Chúa. Một lối đi nhỏ hẹp, và, “rất ít kẻ tìm ra”, bởi thế nên nó cũng đẩy nàng vào những nông nỗi bất hạnh, đau khổ khôn xiết, khi nàng liên tục đứng giữa ranh giới của Tình yêu và Đức hạnh.
Câu chuyện là sự hồi cố chân thực của Jérôme, mà như anh nói, là sự hồi tưởng lại bằng cả tâm hồn; về những kỉ niệm của tình yêu ngót nghét hàng chục năm trời, trở thành phần lớn trong cuộc đời anh. Tình cảm với cô em họ Alissa nảy nở từ khi Jérôme chỉ mới mười hai tuổi. Một buổi sáng tại nhà thờ, Jérôme lắng nghe chăm chú những lời vị Mục sư đọc trong Thánh kinh: “Con hãy cố gắng tiến vào, qua khung cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang dẫn tới tai hoạ, đến chỗ trầm luân, có biết bao kẻ đã đi qua rồi, nhưng nhỏ hẹp mới là khung cửa, là con đường dẫn tới Đời sống, và rất ít kẻ tìm ra.” Jérôme say sưa chìm trong mộng tưởng đê mê, với tinh thần nhiệt huyết bừng bừng, anh hình dung trước mắt mình hình ảnh khung cửa hẹp, khung cửa phòng Alissa và bên tai cứ vọng lại lời răn dạy của mục sư “Vì chưng, nhỏ hẹp mới là con đường dẫn tới Nguồn sống.” Nỗi rưng rưng xúc động cuộn trào lên từng con chữ được tường thuật lại sau ngần ấy năm khiến ta cũng không tránh khỏi sự thảng thốt về ý niệm cao cả, siêu việt, thuần tuý, đánh đổi bằng biết bao khổ hạnh mà tâm hồn Jérôme đã chạm tới. Trước mắt Jérôme, hình ảnh anh và nàng Alissa, cả hai nắm tay nhau, luồn lách qua lối đi hẹp với những đau buồn để đứng giữa một con đường rộng thênh thang, đích đến của Hạnh phúc cao thượng, của Sự thật trác việt… Tất cả đã thổi bừng lên trong hai trái tim và tâm hồn trong sáng ấy ngọn lửa của đam mê nồng nhiệt. Sau giây phút ấy, lòng kiêu hãnh khiến Jérôme ngay lập tức rời xa Alissa, vì anh biết rằng, quyết định ấy mới giúp anh xứng đáng với nàng hơn. Tình yêu của họ được gói ghém qua những lá thư, sự chờ đợi mỏi mòn ngày tái ngộ của Jérôme và những dằn vặt, tranh đấu, mâu thuẫn giày vò trái tim và tâm trí nàng Alissa. Những sôi nổi chớm đến trong buổi đầu non trẻ về sau đã trở thành nỗi niềm đau đáu bởi có quá nhiều niềm đau thử thách trên con đường dẫn tới Khung cửa hẹp ấy.
Trong những ngày tháng khổ sở của họ, có đôi lúc tôi cảm tưởng trong khi Alissa bay rất cao với lý tưởng của nàng, thì Jérôme lại là kẻ si tình quỳ gối đợi chờ người anh yêu. Không phải Jérôme không hiểu những gì Alissa muốn cố gắng để đạt được, thậm chí chính anh đã mường tượng rõ ràng Khung cửa hẹp ấy; nhưng tình yêu của anh cũng đơn thuần, trong trẻo và mãnh liệt, đến mức anh làm gì cũng một lòng hướng về Alissa. Tình yêu đã chiếm trọn linh hồn Jérôme. Những nỗ lực và một lòng chờ đợi của Jérôme là bởi vì tình yêu chung thuỷ với Alissa. Nghịch lý thay, tình yêu của Jérôme càng lớn thì lại càng khiến Alissa lo sợ. Nàng ước mong cả hai có thể cùng tiến đến những giá trị đức hạnh, cao thượng hơn; vì thế nàng e ngại rằng tình yêu mà cả hai đã gieo cho nhau trở thành một trở ngại ngăn cản sự tiến tới của linh hồn Jérôme. Nàng không cho phép mình hay Jérôme say mê trong những cảm giác tuyệt vời của tình ái mang lại – thứ mà nàng nghĩ là quá dễ dàng để đạt được. Dần dà, chính Alissa cũng hiểu rằng, khung cửa hẹp ấy, nhỏ hẹp đến nỗi chỉ có một trong hai kẻ có thể bước qua. Nàng đau đớn trong ý nghĩ rằng sẽ chẳng thể có cặp linh hồn nào cùng nhau tiến tới trong hành trình chạm đến sự toàn vẹn và vĩ đại ấy. Nhưng rồi nàng cũng tuyệt vọng trong chính lý tưởng của mình. Alissa suýt quỳ gối trước ngọn lửa tình yêu luôn rực cháy mà nàng đã phải kìm nén rất nhiều. Trong cuốn nhật ký của mình, nàng giằng xé giữa Tình yêu và Đức hạnh mà tự thốt lên rằng có những linh hồn nào có thể hoà giải được cả hai, biến Tình yêu và Đức hạnh hoà làm một? Thậm chí, trong đau khổ tột cùng, Alissa cảm thấy Đức hạnh nàng vươn tới quá xa vời, nàng không còn nhìn thấy nữa: “Đôi khi tôi nghi ngờ không biết có một đức hạnh nào khác là tình yêu thương, yêu thương nhiều, yêu thương mãi…”. Dẫu vậy, sau cùng, Alissa luôn kháng cự lại tình yêu, vì rằng đức hạnh cao siêu mà nàng theo đuổi không phải là những khuynh hướng tình cảm tự nhiên trong lòng.
Với tôi, “Khung cửa hẹp” không thể chỉ gói gọn là một cuốn tiểu thuyết tình cảm đôi lứa, lớn hơn thế là ý niệm về tình yêu vượt qua mọi biên giới để chạm tới những giá trị cao cả, niềm hạnh phúc đích thực chói loà phía sau khung cửa hẹp mà rất ít kẻ có thể tìm thấy. Alissa và Jérôme – hai linh hồn đã khởi đầu con đường mình bằng những sôi nổi nồng nhiệt của lý tưởng, liên tục ném mình vào những đau đớn tuyệt vọng để đánh đổi lấy sự thật, sự thật ở tương lai – niềm tin về Đức hạnh thuần tuý mà Thượng Đế đã chỉ dấu. Nhưng rồi, có bao giờ chính họ, hay tôi và bạn – những người đọc câu chuyện này, sẽ tự hỏi rằng Đức hạnh thật ra cũng chỉ là một ảo tưởng xa vời và phải chăng, một tình yêu lớn hơn cả tình yêu cũng thật đơn giản biết bao. Có lẽ nào sự thật luôn nằm ngay đây, cửa hẹp là hành trình linh hồn băng qua rất nhiều thử thách, chu du rất xa để rồi sẽ quay lại điểm bắt đầu và nhận ra nơi đó ẩn chứa những gì mình tìm kiếm bấy lâu.
Những điều lớn hơn cả chúng ta, dày vò tâm can con người thì khó mà mã hoá bằng ngôn từ, hơn nữa lại là công cuộc chuyển ngữ. Thế mà bằng tài hoa trong sự dịch, thi sĩ Bùi Giáng đã góp phần rất lớn trong việc mang đến cho chúng ta những ý niệm mơ hồ về cái đẹp từ cấp độ linh hồn – những gì thuần tuý và cao thượng. Tôi đã chìm đắm trong những bài thơ được nhân vật dẫn lại, qua ngôn ngữ của Bùi Giáng. Và cũng đã đau đớn với nhân vật bởi những mâu thuẫn giằng xé khó gọi thành tên. Tôi không mong gì hơn, bài viết này sẽ đủ thôi thúc để bạn tìm đến “Khung cửa hẹp” của André Gide và ném mình vào một không khí ngột ngạt của lối đi rất nhỏ hẹp dẫn tới những điều thênh thang.