Hermann Hesse
Nhà thơ, nhà văn, họa sĩ người Đức – Thụy Sỹ.
- Người dịch: Phạm Tùng
- 25/06/2023
- 00:10′
Ở những nơi ta từng sống, kí ức về một không gian dần được hình thành sau một khoảng thời gian ta rời khỏi nơi đó. Và rồi, kí ức biến chuyển thành một bức tranh hằn sâu trong thâm tâm của ta. Miễn là ta còn ở đó, tại nơi ánh mắt chạm không gian rộng lớn phía trước, ta hãy còn thấy những điều ngẫu nhiên và những giá trị thiết yếu được đặt ngang hàng trên bàn cân; chỉ sau này mới trở thành những vấn đề thứ yếu bị dập tắt, bởi trí nhớ của ta chỉ lưu trữ lại những gì đáng lưu trữ. Nếu điều đó không phải sự thật, sao ta có thể nhìn lại quá khứ của ta mà không trải qua cảm giác chông chênh và ghê sợ!
Có nhiều yếu tố để tạo nên một bức tranh toàn cảnh về một nơi chốn đã từng quen thuộc với ta – dòng nước, hòn đá, mái nhà hay quảng trường – nhưng với tôi, đó ắt hẳn phải là những cái cây. Chúng không chỉ đẹp và đáng mến theo cách riêng của mình, đại diện cho một sự thuần khiết của thiên nhiên và là một sự phản chiếu rõ ràng với con người, những kẻ thể hiện bản thân mình thông qua những tòa buyn-đinh hay những thứ công trình khác. Những cái cây đều là những sinh vật tiết lộ nhiều, cả về bản thân hay mọi thứ xung quanh chúng: ta có thể học được nhiều điều từ cây về độ tuổi cũng như loại đất canh tác nơi chúng được trồng, về khí hậu, thời tiết hay tâm trí của những con người nơi đây. Tôi không biết ngôi làng mình đang ở hiện tại sẽ tự trình diện trong tâm trí tôi sau này như nào, nhưng tôi không thể tưởng tượng nổi rằng đó sẽ là một nơi không có những cây dương, cũng như việc tôi không thể tưởng tượng ra hồ Garda mà không có những cây ô liu, hay vùng Tuscany mà lại không có những cây bách. Tôi nghĩ là, sẽ thật khó để nghĩ về những vùng đất khác mà không nhắc tới những cây bồ đề, hay là những loại cây có hạt. Cũng có thể làm được điều đó với một, hai nơi – bởi tuyệt nhiên không hề có bóng dáng của một chiếc cây nào tại đó.
Tuy nhiên, một thành phố hay khung cảnh mà vắng bóng những chiếc cây sẽ không bao giờ để lại một ký ức gì trong tôi; chúng giống như những địa điểm vô hồn, theo cảm nghĩ của tôi là vậy. Tôi có biết, rõ là đằng khác, về một thành phố như thế – tôi đã sống ở đó hai năm khi còn nhỏ – và mặc cho tôi nhớ rõ mọi thứ về nơi đó, nó vẫn là một thành phố xa lạ. Nó đã trở thành một nơi tùy tiện và vô nghĩa đối với tôi như là một trạm tàu vậy.
Đã quá lâu kể từ khi tôi được tận mắt thấy một cây hạt dẻ thật ở trong thành phố – suy nghĩ này chợt đến với tôi mỗi khi tôi nhìn thấy một cây dẻ ngựa xinh đẹp ở quanh đây, hoặc vô tình một cách tiếc nuối bắt gặp những cây hạt dẻ nhỏ đang dần chết đi tại một vài ngôi làng. Giá mà họ biết những cây hạt dẻ trông đẹp đẽ như nào! Giá mà chúng có thể đứng vững một cách oai nghiêm tại đó, trổ hoa rực rỡ, và tỏa ra những tiếng xào xạc sâu tựa vực thẳm từ cành lá của mình. Giá mà người ta một lần để toàn bộ bản thân mình được bao bọc bởi bóng râm to lớn và mê hoặc của chúng. Giá mà, họ được chứng kiến sức sống căng tràn của cây hạt dẻ vào mùa hè; để rồi đến mùa thu, những chiếc lá nâu vàng bắt đầu rụng xuống một cách nhẹ nhàng, để lại thành từng đống trên con đường.
Ngày hôm nay, tôi lại đang suy nghĩ về một thành phố có những hàng cây hạt dẻ tuyệt đẹp: đó là một thị trấn ở phía tây nam nước Đức. Tại vùng trung tâm, một tòa lâu đài cổ ngự trị với một kiến trúc hình hộp rộng lớn, được bao bọc hoàn toàn bởi một công trình hào rộng đến mức đáng kinh ngạc, mà từ lâu đã trở thành một con mương khô cạn, và xung quanh nó lại được bao bọc bởi một đại lộ lộng lẫy lớn hơn rất nhiều. Một bên của đại lộ không có gì khác ngoài những căn nhà thấp cũ với những khu vườn nhỏ bé, bên còn lại rộng lớn hơn và đối diện với tòa lâu đài, mọc lên một thành trì vững chãi riêng của những cây hạt dẻ to lớn.
Một bên của đại lộ treo đầy những biển hiệu các cửa hàng và nhà trọ, tiếng những người thợ vung búa, đập tan những mảnh kim loại khiến ai cũng thấy dè chừng, những người thợ sửa giày nấp sau ánh hoàng hôn bên trong xưởng của họ – và chúng mang hình dáng của những chiếc hang nhiều hơn, và những xưởng thuộc da luôn tỏa ra một mùi hôi thối bí ẩn đặc trưng. Phía còn lại rộng lớn hơn của đại lộ, là nơi sự lặng im và bóng râm ngự trị cùng với mùi của lá cây và những ánh sáng tinh nghịch phản lại sắc xanh của cây cối, nơi có tiếng kêu của loài ong mật và những chuyến đi không ngừng nghỉ của loài bướm. Có lẽ vì vậy mà những bóng ma đang quần quật đập những tấm thảm và làm đồ thủ công luôn hướng mắt về phía cửa sổ dẫn sang một thiên đàng vĩnh hằng ở ngay bên kia đại lộ, nơi Chúa ban phát cho một sự bình yên không bao giờ lụi tàn. Và vào mỗi buổi tối ấm áp của mùa hè, những kẻ đó đâu có đủ thời gian để thực hiện chuyến thăm tới thiên đàng tại bên kia con phố sớm hơn, hoặc tệ không kém, những tiếng thở dài cũng là một sự xa xỉ đối với chúng.
Tôi đã đến ở tại thị trấn nhỏ đó trong một tuần. Dù là tôi đi có công chuyện, nhưng tôi thích dành ánh nhìn trịch thượng của mình cho những khung cửa sổ của người thương nhân và thợ thủ công, rồi ra vẻ đi dạo – một cách thư thái, giống như một vị bá tước – tại nơi nhàn nhã, rợp bóng mát của con phố cũng như cuộc sống nơi đây. Thế nhưng điều tuyệt nhất là, tôi đã ở cạnh con hào, tại nhà trọ Blond Eagle, nơi tôi có thể ngắm từ cửa sổ phòng mình một rừng cây hạt dẻ đang độ trổ bông, phủ lên một lớp màu trắng và đỏ xuyên suốt cả buổi tối tới tận đêm khuya. Ấy mà việc tận hưởng thứ cảnh sắc đến nao lòng này lại tốn một chút chi phí. Những tưởng con hào này đã khô cạn, vậy mà phía đáy của nó vẫn có đủ rêu xanh ẩm ướt để trở thành nơi sinh sống của hàng trăm con muỗi. Nhưng một người trẻ tuổi đang đi du ngoạn đâu có dành thời gian ngủ nhiều vào những đêm mùa hạ, và khi đàn muỗi trở nên thô lỗ với một vị khách tới từ phương khác, tôi rót đầy một ly vang, hút một điếu xì gà và ngồi bên cạnh cửa sổ trong màn đêm không một gợn sáng.
Thật là những đêm tối kì lạ làm sao! Dư vị của mùa hè, là sự pha trộn giữa một chút bụi của đường phố, tiếng vo ve của đàn muỗi và sự oi bức lấp đầy khoảng không bằng dòng điện của nó, âm thầm co giật và vùng vẫy.
Sau bằng ấy năm, những đêm hè ấm nóng bên cạnh những cây hạt dẻ giờ quay trở lại với tôi, chúng dường như thật quý giá và cũng cay đắng đến chừng nào: giống như hòn đảo của cuộc đời tôi, một câu chuyện cổ tích, một tuổi trẻ đã đánh mất từ năm nào. Chúng nhìn vào tôi với một ánh nhìn sâu thẳm và thánh thiện; những lời thì thầm của chúng thật xao xuyến và nóng bỏng; chúng khiến tôi cảm thấy buồn bã, giống như truyền thuyết về thiên đàng hay lạc ca mơ về Avalon.
Tôi thường hoàn thành công việc của mình vào chiều muộn. Ngay khi khoảnh khắc đó tới, tôi sẽ dạo bước vòng quanh lâu đài một hoặc hai lần với một sự lịch lãm của kẻ đang nhàn rỗi, tận hưởng bầu không khí tự do và lười biếng mà tôi cho rằng là một thứ tài năng trong những ngày này. Ồ, nếu tôi mà phải hoàn thành bất cứ thứ gì trong cuộc đời (nhưng điều đó liệu có thực sự quan trọng như mọi người hay nói với tôi không?) – dù sao thì, tôi sẽ phải làm việc thật chăm chỉ, một cách cay đắng mà tôi có thể chắc chắn tận hưởng món quà của những ngày tản bước dưới hàng cây như này…
Rồi sau đó, tôi sẽ đi dạo qua thành phố và công viên bên ngoài thị trấn, tới một ngọn đồi nào đó có đồng cỏ thơm ngát mùi của mùa hè, hoặc một góc tối, bí ẩn của khu rừng. Những con sóc chạy nhanh như chớp, những bầy bướm đang bay lộn trong không trung – tôi đã không ngắm nhìn chúng với nhiều sự lãng quên nhàn rỗi như vậy từ khi còn là một đứa trẻ. Tôi thường bơi lội ở con suối nhỏ, hoặc ít nhất là vẩy nước lên cái đầu đang nóng nực của mình. Và tại một vài địa điểm bí mật chỉ mình tôi biết, tôi rút ra cuốn sổ kẻ vuông với cây bút chì được gọt sắc bén và viết vào đó những gì mà tôi cảm thấy xấu hổ, thế nhưng lại khiến mình hạnh phúc một cách khó tin, hoặc thậm chí là tự hào. Chắc tôi sẽ phát cười khi thấy lại những bài thơ vô giá trị của mình vào thời đó…Không, tôi sẽ không cười. Nhất định không đâu. Nhưng tôi ước mình có thể trở lại là một người ngớ ngẩn đến phát rồ, ham chơi và vô cùng hạnh phúc khi viết lách, hoặc dù là làm bất cứ thứ gì đi nữa.
Và khi trời tối, tôi sẽ quay trở về thị trấn. Tôi sẽ hái một bông hồng trong công viên và cầm trên tay, vì tôi sẽ dễ rơi vào tình huống mà mình muốn cầm một bông hồng trên tay đến chừng nào. Chẳng hạn nếu tôi vô tình gặp Kiderlen – con gái của người thợ mộc tại góc chợ vào một thời điểm thuận lợi, tôi sẽ ngả mũ chào nàng, và có thể nàng sẽ không chỉ dừng lại ở việc gật đầu mà còn tạo điều kiện cho một cuộc trò chuyện chăng? Liệu lúc đó tôi có ngần ngại việc tặng cho nàng bông hoa hồng với những ngôn từ lịch thiệp nhất có thể? Hoặc người con gái đó có thể là Martha, cháu gái của chủ nhà trọ Eagle và cũng đang làm phục vụ ở đó – vì nàng mà người ta đã đặt tên lại cho nhà trọ Black Eagle thành Blond. Nàng luôn khinh thường tôi, nhưng có lẽ đó không phải là con người thực của nàng.
Miên man trong những suy nghĩ như vậy, tôi trở lại thành phố và lại đi ngang qua những con phố nhỏ, mời gọi Cơ hội lộ mình, trước khi trở về nhà trọ Eagle. Khi bước lên cánh cửa nhà trọ, tôi sẽ cắm bông hồng vào lỗ khuy áo của mình rồi bước vào, lịch sự gọi món giăm bông cùng sốt mù tạt hoặc sườn hầm bắp cải và uống kèm một cốc bia Vaihinger.
Trong lúc này, tôi sẽ lướt lại những trang thơ nhỏ của mình cho đến khi đồ ăn được mang ra, nhanh chóng gạch một dòng bên lề hoặc một dấu chấm hỏi hay gạch bỏ một vài đoạn, sau đó tôi sẽ ăn uống rồi quan sát những quý ông lớn tuổi, lịch thiệp hơn trong số những người thường khác làm hình mẫu về cách thức trò chuyện và cư xử đúng mực. Đôi khi sẽ có vài sự kiện bất ngờ xảy ra, khi mà người chủ nhà trọ (dù là chồng hay vợ), sẽ không chỉ dừng lại ở việc chúc tôi ngon miệng, họ sẽ ngồi cùng và hỏi tôi chuyện này chuyện kia. Tôi trả lời những câu hỏi đó, theo một cách niềm nở nhưng khiêm tốn, và thỉnh thoảng sẽ lại đưa ra một câu nói súc tích, quan điểm chính trị hay một câu bông đùa.
Sau cùng, tôi trả tiền cho bữa ăn của mình, mang theo một chai bia rồi lên phòng. Đây là lúc những con muỗi bận bịu với công việc của mình. Tôi phải ngâm chai bia vào nước của bồn rửa để nó luôn giữ lạnh.
Và rồi những giờ phút kì lạ của buổi tối sạt xuống. Tôi ngồi trên bệ cửa sổ một mình, cảm nhận vẻ đẹp của màn đêm trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, bên cạnh sự oi bức và những đốm sáng nhạt nhòa tựa ma trơi của những bông hoa dẻ trắng, giống như những ngọn nến lớn. Và rồi, đồng hành với cảm giác đơn độc và lo lắng, tôi dõi mắt theo những cặp đôi đang thả bước chậm rãi dưới màn đêm và những cái cây, dần dà áp sát thân mình vào nhau. Đến lúc này, tôi buồn bã rút bông hồng cài trên khuy áo của mình và ném qua cửa sổ xuống con đường trắng lấp lánh, dẫu có chút bụi bám; để mặc cho những đoàn xe thồ, khách ở trọ và cặp tình nhân giẫm đạp lên.
Tôi đã hứa là sẽ kể chuyện cho bạn ở đây ư? Không, chả có một lời hứa nào như vậy cả, và tôi cũng không muốn kể một câu chuyện gì hết. Bạn có thể kể về việc sắp đính hôn hay việc mình bị gãy chân. Còn tôi chỉ muốn được lắng nghe lại khúc ca của những đêm hè đặc biệt đó một lần nữa – chúng thân thuộc với tôi hơn bất kì một khúc ca nào của Avalon. Tôi chỉ muốn khắc ghi thật sâu những hình ảnh về thị trấn cũ, về tòa lâu đài, và về con hào, để tôi mãi mãi không bao giờ quên được chúng. Tôi muốn dành chút thời gian để suy nghĩ về những cây hạt dẻ, cuốn sổ thơ nhỏ của tôi sau từng ấy năm, vì một lẽ rằng: chúng sẽ không bao giờ quay trở lại nữa.
Nhưng có lẽ sẽ thật khó để tin rằng tôi chỉ ở đó vỏn vẹn một tuần. Cảm giác giống như tôi đã đi bộ một trăm lần vào khu rừng, ngắt ít nhất một trăm bông hoa hồng, và dự định tặng chúng cho những cô gái xinh đẹp của thị trấn cây hạt dẻ trong một trăm buổi tối, để rồi lại vứt hết chúng xuống con phố tối thẳm, khi mà không có một ai muốn những bông hoa cả. Tất nhiên là tôi đã trộm chúng, nhưng có ai biết được chứ? Không phải là Kiderlen, con gái của người thợ mộc, cũng không phải là Martha tóc vàng. Và nếu một trong hai người họ muốn bông hồng đó từ tôi, tôi sẽ rất vui lòng mà mua tặng cho nàng thêm một trăm bông hồng khác nữa.