The Cricket Project

I came I saw I read.

VỀ HIỆN TƯỢNG “EXOPHONIC WRITER” (Phần I)

Nguyễn Hoàng Bảo Trân
Nguyễn Hoàng Bảo Trân

Từ trước tới nay, mối quan hệ giữa việc sáng tạo văn chương của nhà văn và ngôn ngữ dân tộc vẫn luôn là vấn đề đáng phải suy ngẫm và còn là hiện tượng đang tiếp diễn vô cùng phức tạp theo dòng chảy của đời sống đương đại. Trong quá khứ, khi những khái niệm “quốc gia” hay “dân tộc” còn tồn tại như những khái niệm vô cùng kiên cố, văn chương và công việc sáng tạo được quan niệm có mối quan hệ gắn bó mật thiết với ngôn ngữ dân tộc đã dung dưỡng nên tâm hồn người viết. Người nghệ sĩ khó có thể tách khỏi hệ thống những phạm trù cả hữu hình lẫn siêu hình của một xã hội bao quanh anh ta được mã hóa trong ngôn ngữ dân tộc. Việc tách khỏi ngôn ngữ dân tộc hay ngôn ngữ mẹ đẻ cũng giống như việc anh cự tuyệt với tất cả kinh nghiệm vốn làm nên tư tưởng, tình cảm của mình, và như thế, đánh mất danh tính trước khi kịp tạo nên cho mình một căn cước văn chương. Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi khi thế giới dần tiến tới tương lai “phẳng hóa’, xu hướng giải lãnh thổ hóa càng rõ nét với sự ra đời của Internet, một bộ phận khác tới từ xu hướng di cư diễn ra phổ biến trên toàn cầu. Thực trạng ấy bất ngờ sản sinh ra hiện tượng các nhà văn lựa chọn sử dụng ngôn ngữ khác để sáng tác, thậm chí còn gặt hái được rất nhiều thành công, họ được giới chuyên môn định danh bằng thuật ngữ “exophonic writer”. Trong loạt bài viết này, ta sẽ cùng nhau tiếp cận các vấn đề xoay quanh hiện tượng “exophonic writer” , sau đó thử truy dấu xem liệu rằng, dấu ấn ngôn ngữ dân tộc vốn được coi là yếu tố đầu tiên tạo nên danh tính một cá nhân có còn hiện hữu trong văn chương của những tác giả lựa chọn sáng tác bằng ngôn ngữ thứ hai hay không.

Khái niệm “Exophonic writer”

  Thuật ngữ “exophony”, là cách viết bằng ngôn ngữ không phải ngôn ngữ mẹ đẻ, là một khái niệm xuất hiện phổ biến gần đây. Khái niệm này lần đầu tiên được trình diện trước giới văn hóa và văn học vào năm 2007, bởi các nhà ngôn ngữ học là: Giáo sư Tiến sĩ Susan Arndt, Tiến sĩ Dirk Naguschewski và Giáo sư Tiến sĩ Robert Stockhammer, trong một nghiên cứu có tựa đề “Anderssprachigkeit (in) der Literatur[1].

  “Exphony” là một từ có gốc tiếng Hy Lạp là “exo”, dùng để chỉ “cái bên ngoài”. Từ đó, khái niệm “exophonic writer” được sử dụng để chỉ những tác giả thực hành viết bằng ngôn ngữ không phải ngôn ngữ dân tộc mình. Điều đặc biệt trong nhóm này, một số tác giả “exophonic” có thể thuần thạo song ngữ, thậm chí đa ngôn ngữ trong suốt cuộc đời sáng tác của mình.

  Các tác giả nổi tiếng thế giới sáng tác theo xu hướng này có thể kể tới như triết gia người Pháp Voltaire, người đã lựa chọn sáng tác bằng tiếng Anh và trong thời gian ở Anh, ông thậm chí còn đổi tên mình từ François thành Francis. Đó là Milan Kundera, chọn viết bằng tiếng Pháp ở giai đoạn sáng tác thứ hai của mình thay vì tiếng Séc là tiếng mẹ đẻ. Một số trường hợp đặc biệt khác phải kể tới như Vladimir Nabokov, dù vô cùng nỗ lực sáng tác các tác phẩm bằng ngôn ngữ Nga trong giai đoạn lưu vong song những tác phẩm thành công nhất của ông như “Lolita” lại là cuốn sách được viết bằng tiếng Anh. Cũng như vậy, tiếng mẹ đẻ của Jack Kerouac là tiếng Pháp, cho tới cuối tuổi niên thiếu tiếng Anh vẫn không phải là thế mạnh của ông, nhưng các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông thì đều được viết bằng ngôn ngữ này. Ngoài ra, một số trường hợp các nhà văn đã chủ động rời bỏ tiếng mẹ đẻ như nhà viết kịch người Ireland Samuel Beckett quyết định từ bỏ tiếng Anh vì cảm thấy nó “quá lộn xộn” đối với ông và chọn viết bằng tiếng Pháp. Còn rất nhiều gương mặt ấn tượng khác thuộc vào nhóm “exophonic writer” đã được thống kê phải kể tới như: nhà viết kịch và tiểu thuyết gia người Ireland Oscar Wilde, nhà văn Joseph Conrad, tiểu thuyết gia người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro,…

Đối với văn chương Việt Nam, hiện tượng “exophonic writer” bắt đầu manh nha xuất hiện kể từ sau biến cố lịch sử năm 1975. Sự xuất hiện của các nhà văn này chủ yếu gắn với hoạt động “di cư”. Khi phân tích về văn học di cư ở Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Lê Hoa Tranh định danh những tác giả di cư Việt Nam vào 3 nhóm lớn: Thế hệ nhà văn thứ nhất (1.0), thế hệ nhà văn một rưỡi (1.5) và thế hệ nhà văn thứ hai (2.0) [2]. Dựa vào cơ sở này, hiện tượng “exophonic writer” của văn chương Việt Nam chỉ thực sự xuất hiện bắt đầu với thế hệ nhà văn một rưỡi, là những người sinh ra ở Việt Nam, trải qua thời thơ ấu ở Việt Nam và sau đó sang định cư nước ngoài, ước chừng có thể sinh vào khoảng những năm 1960, hoặc nửa đầu 1970. Một số gương mặt có thể kể tới như: Nguyễn Quý Đức, Phan Nhiên Hạo, Đinh Linh,…Nhóm tác giả của thế hệ 1.5 được coi là cầu nối, họ không hoàn toàn “mất gốc” nhưng cũng có thể hòa nhập tốt với đời sống ở một đất nước mới. Những cái tên được kể trên đều linh hoạt trong sáng tác cả hai ngôn ngữ Việt và Anh. Và cuối cùng của xu hướng văn học đương hại, những nhà văn 2.0 được coi là thế hệ những nhà văn hoàn toàn sáng tác bằng ngôn ngữ khác như: Linda Lê, Paul Tran, Ocean Vuong,…

 

Nguyên nhân ra đời hiện tượng “Exophonic writer”

 — Xu hướng di cư

  Các luồng di cư trong lịch sử trước hết trở nên vô cùng phổ biến, gắn với biến động của lịch sử như xung đột chính trị, chiến tranh,…khiến con người phải lựa chọn di cư và sinh sống tại một vùng lãnh thổ khác. Bắt đầu từ thế kỷ XX, khi các cuộc chiến tranh thế giới nổ ra liên tiếp, ta nhận thấy sự xuất hiện đáng kể của các nhà văn thuộc dòng “văn học di cư”, là tiền đề của “văn học bật rễ”. Đặc điểm của họ là đều bị bứt khỏi dung môi văn hóa dân tộc bao gồm ngôn ngữ để buộc phải sống tại một quốc gia khác, phải bắt nhịp với nền văn hóa xa lạ với văn hóa gốc của mình.

  Tuy nhiên ở thời hiện đại, từ cuối thế kỷ 20 cho tới nay, khi những chính sách mở cửa, giao thương, hợp tác hòa hảo được tăng cường mạnh mẽ giữa các quốc gia trên thế giới, con người càng dễ dàng hơn trong việc di chuyển qua lại, thậm chí nhập tịch tại một quốc gia khác. Chỉ riêng trường hợp Việt Nam, cộng đồng hải ngoại sinh sống và làm việc tại nước ngoài ở khắp các ngành nghề chiếm một số lượng tương đối đáng kể so với thời kì trước.

Sự ra đời của Internet

  Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, đặc biệt với sự ra đời của Internet, mọi giới hạn dễ dàng được đẩy lùi và mọi biên giới cũng trở nên mong manh, trong đó có biên giới quốc gia, văn hóa và tư tưởng. Chỉ với một cú click chuột, con người đang sống ở quốc gia này có thể dễ dàng “tham quan”, học hỏi nền văn minh của các quốc gia khác một cách dễ dàng và tiện lợi. Chính từ đây, thế giới thực sự trở thành một dạng phẳng, nơi các nền văn minh, các dân tộc xích lại gần nhau trên mọi mặt, khiến khái niệm về dân tộc, lãnh thổ càng ngày càng có xu hướng bị hóa giải. Đối với chỉ riêng đời sống sinh hoạt văn chương, sự tồn tại của nhóm độc giả lựa chọn đọc sách ngoại văn trở nên rất phổ biến, gắn với sự ra đời hàng loạt của các cửa tiệm bán sách ngoại văn. Từ đây, khi soi chiếu vào hoạt động sáng tạo của thế kỷ này, rất nhiều bạn trẻ người Việt dù đang sinh sống tại Việt Nam song vẫn có xu hướng lựa chọn sáng tác tác phẩm bằng tiếng Anh và tạo ra được tập độc giả của chính mình như trường hợp nhà thơ Nguyễn Hoàng Quyên.

Hiện tượng người viết sinh trưởng trong dung môi đa văn hóa

  Ngoài ra, một hiện tượng phức tạp hơn nữa cần kể tới là hiện tượng người viết sinh trưởng và được nuôi dưỡng trong môi trường của hơn một nền văn hóa, khi đó câu hỏi được đặt ra rằng đâu mới thực sự là tiếng mẹ đẻ của họ. Hiện tượng này có lẽ cũng có một nguyên nhân đến từ xu hướng di cư trên thế giới. Một ví dụ của kiểu nhà văn này là tác giả Dan Vyleta. Anh có cha mẹ là người Séc nhưng lại lớn lên ở quốc gia Đức. Trong môi trường gia đình, anh vẫn sử dụng tiếng Séc để giao tiếp với cha mẹ nhưng khi tương tác với cộng đồng, anh phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Đức. Sự phức tạp còn được đẩy xa hơn khi sau đó anh hoàn thành chương trình giáo dục đại học bằng tiếng anh tại Canada. Từ trường hợp của Dan Vylelta, rất khó để trả lời cho câu hỏi nhà văn đang từ bỏ tiếng mẹ đẻ nào khi cuối cùng chọn viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh. 

 Một số quan điểm của các nhà văn thuộc nhóm “Exophonic writer”

  Đầu tiên, ta đến với nhóm các nhà văn lưu vong mà tiêu biểu là Nabokov, dù sau này đã lựa chọn sáng tác bằng tiếng Anh nhưng vẫn mang nặng tình cảm cùng nỗi lưu luyến với ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Nga. Minh chứng là sau khi thành công với tên tuổi của cuốn tiểu thuyết “Lolita” được viết bằng tiếng Anh tại Mĩ và ý thức được rằng đây mới là thị trường văn chương phù hợp với cá tính của mình, song sau đó, Nabokov vẫn đích thân tự dịch tác phẩm này sang tiếng Nga bởi tình yêu ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như mong muốn bảo lưu giá trị tác phẩm.

  Bên cạnh đó, một số tác giả khác lại tỏ ra rất hứng thú khi được trải nghiệm sáng tác bằng ngôn ngữ khác, thậm chí tìm thấy điểm tối ưu mà ngôn ngữ mẹ đẻ thậm chí không sở hữu. Tinh thần của họ đúng như câu nói của triết gia Ludwig Wittgenstein: “Giới hạn ngôn ngữ của tôi chính là giới hạn của tâm trí tôi. Tất cả những gì tôi biết là những gì ngôn ngữ ấy cấp cho”. Đầu tiên chúng ta có thể kể tới trường hợp nữ nhà văn Agnieszka Lesiewicz, một tác giả gốc Ba Lan nhưng thành công trong hoạt động sáng tác bằng tiếng Anh, sự lựa chọn sáng tác bằng ngôn ngữ khác đại diện cho cả thách thức lẫn khát vọng để tới cuối cùng, nó gắn với bước ngoặt cuộc đời to lớn. Nhà văn chia sẻ: “Đâu đó, tôi nhận ra rằng việc chuyển từ tiếng Ba Lan sang tiếng Anh đã thay đổi cuộc sống của tôi. Tôi như thành một người khác, tự tin hơn, và theo một cách nào đó, dám sống chân thực hơn với chính mình. Nhờ tiếng Anh, tôi bắt đầu nghĩ và viết khác đi”[3]. Nhà ngôn ngữ học Molly Martin, trong một bài báo trên Italics Magazine cho rằng, việc sáng tác bằng ngôn ngữ khác mang đến cho tác giả cơ hội được khoác lên mình lớp mặt nạ che đậy bằng ngôn ngữ khác. Nó giải phóng họ khỏi giới hạn của tiếng mẹ đẻ và cho phép họ được thử nghiệm trên chữ viết, ngôn ngữ và cuối cùng là căn tính[3]. Theo cách này, sáng tác bằng ngôn ngữ khác mở ra những chiều kích rộng lớn hơn về các khả thể sáng tạo khi nó giải phóng họ khỏi những quy chuẩn của cuộc đời cũ phản chiếu qua ngôn ngữ. Emil Cioran nhận định về sự từ giã ngôn ngữ dân tộc của bản thân bằng quan điểm cho rằng: “Khi tôi thay đổi ngôn ngữ của mình, tôi đã hủy bỏ quá khứ của mình. Tôi đã thay đổi cả cuộc đời mình”. Cần lưu ý rằng, tiềm năng sáng tạo mà các nghệ sĩ này tìm thấy ở ngôn ngữ mới không chỉ là sự mở rộng của đường biên tự do sáng tạo trong tư tưởng, trong việc được trải nghiệm những kinh nghiệm khác lạ từ các nền văn hóa khác, mà còn giúp họ có chiêm nghiệm sâu sắc hơn về hoạt động lao động ngôn từ của mình. Đối với Leo Carrington, khi lựa chọn sử dụng ngôn ngữ Tây Ban Nha để sáng tác dù chưa  thực sự thành thạo trong ngôn ngữ ấy, thay vì cảm thấy nghèo nàn vì vốn từ vựng còn ít ỏi so với sự đòi hỏi của hành động sáng tác văn chương thông thường, Carrington lại tỏ ra vô cùng hứng thú với cuộc thử sức này. Viết về thời gian ở Tây Ban Nha, bà bày tỏ chính bởi việc chỉ hiểu được một nửa ý nghĩa của các từ trong hệ thống ngôn ngữ đã giúp bà có thể chuyên chú đầu tư vào các từ bình thường nhất mà bà biết trong biểu đạt ý nghĩa kín đáo. 

  Trước xu hướng toàn cầu hóa ngày một gia tăng, đồng nghĩa với hiện tượng “Exophonic writer” sẽ ngày một trở nên phổ biến, có những luồng ý kiến tỏ ra vô cùng ủng hộ trước sự thay đổi này. Biên tập viên người Ý Silvia De Marchi khẳng định: “Đó chính là văn học của những người đang chuyển động, những người không bị giới hạn bởi đất nước của họ”[1]. Dựa theo trường hợp các nhà văn lựa chọn từ giã ngôn ngữ dân tộc và gặt hái được rất nhiều thành tựu trong sáng tác văn chương, ta không thể phủ nhận tính hiệu quả của xu hướng này trong sáng tạo nghệ thuật. 

Tiểu kết

  Trong phần 1 của bài viết “Hiện tượng exophonic writer và vị trí của ngôn ngữ dân tộc trong sáng tác” người viết đã đưa ra thông tin và luận bàn về một số yếu tố xoay quanh hiện tượng “exophonic writer” như: khái niệm, nguyên nhân hình thành và một số quan điểm xoay quanh. Trong phần 2 sẽ được đăng tải tiếp tới, ta sẽ thử tìm hiểu thông qua thực tiễn hóa quá trình sáng tác và tác phẩm văn chương để truy dấu xem liệu còn tồn tại dấu ấn của ngôn ngữ dân tộc trong các sáng tác của các nhà văn lựa chọn sáng tác bằng ngôn ngữ khác hay không.

Tài liệu tham khảo

[1] Pisana Ferrari (2021), A new wave of exophonic writers with a migration background is reshaping and enriching the language of their country of adoption, Capstan linguistic quality control.

[2] Trần Lê Hoa Tranh (2017), Các thế hệ nhà  văn di dân và những đóng góp của văn học di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ, khoavanhoc-ngonngu.edu.vn.

[3] Pisana Ferrari (2020), Exophonic writing offers authors the chance “to cloak themselves in a different language, and thereby culture”, Capstan linguistic quality control.


Posted

in

, ,

by