The Cricket Project

I came I saw I read.

CÁI GIƯỜNG

Hamvas Béla

Hamvas Béla

Triết gia, nhà văn, nhà phê bình xã hội người Hungary ở thế kỉ 20

Aldous Huxley đã tính toán, vòng của sự im lặng mỗi năm hẹp lại mười ba km rưỡi. Chẳng bao lâu nữa sẽ đến lúc, ông nói, sự im lặng sẽ biến mất hoàn toàn khỏi Trái đất. Kẻ hạnh phúc sẽ là kẻ đôi khi được dự phần vào sự trầm tĩnh nửa giờ trên biển hoặc trên dãy Himalaya.

Vòng của sự thân mật cũng ngày càng nhỏ lại. Trong thời hoàng kim, niềm vui từng là toàn bộ Trái đất, thân thiết như mật quả. Bởi vậy kinh Tora mới gọi thời hoàng kim là vườn Ê-đen vì thế. Các nhà cai trị sau này thử gìn giữ nền hòa bình thiên đường trong các vương quốc của họ. Hoàng đế Hạ Vũ của Trung Quốc là người như vậy, nhất là vị vua Echnaton.

Thật đặc biệt, sự biến mất của sự thân mật thời hoàng kim tỷ lệ thuận với sự tha hóa của sự sống con người. Như thể có điều gì đó cho đến tận hôm nay người ta vẫn chưa biết về mối liên hệ giữa hòa bình và sự im lặng.

Không thể biết chính xác rằng vòng quay trở nên chặt chẽ hơn trong mức độ nào. Cách đây không lâu từng có một vài điền trang đại địa chủ, sau rồi chỉ còn trang trại, lâu đài, vườn hoặc khu săn bắn giữa rừng, hoặc một trạm thiên văn trên vách núi. Nhưng có những người muốn ít nhất cứu được căn phòng nhỏ bé của họ. Bến đỗ cuối cùng của sự thân mật là cái giường. Còn sót lại đúng cái này từ thiên đường.

Chính bản thân con người đã tự đuổi họ ra khỏi Trái đất thời hoàng kim, nhưng cái giường là một nơi chốn bé xíu trong túp lều, nơi nó có thể chui vào sống một chút đời sống còn sót lại của thời hoàng kim, khi ngoài kia tiếng mô tô gầm rú, tiếng cười hô hố từ cái ra đi ô nhà hàng xóm, bên trong sự ồn ã cũng chẳng kém, cái đồng hồ liên tục tích tắc, lương tâm thì thét gào, nhưng con người có thể chui vào một góc đặc biệt, ngả đầu xuống gối, như một thời vào một buổi chiều mùa hè trong bóng râm, dưới gốc cây vả ngát hương ngả đầu vào bụng con sư tử nghỉ ngơi.

Hệ tọa độ của đời sống của chúng ta là cây cột và cái giường. Cây cột là con đường hướng lên trên một cách bất khuất, là trật tự của sự sống tỉnh táo, là sự tỉnh thức, là tri thức và là ban ngày. Suy tư chỉ có nghĩa ngần này: trở thành đường vuông góc và buộc đất lại với trời. Chui vào nằm trong giường chỉ có nghĩa ngần này: trở thành mặt nước, ngủ và bình tĩnh trở lại trong sự cân bằng.

Chui trở lại màn đêm, rúc vào người mẹ, nơi từ đó ra đời, để mỗi sáng lại được sinh ra, trở thành cây cột và buổi tối lại quay về sự hóa thân, một hình tượng không thể tự nhiên và bí ẩn hơn, như một lần nữa trở lại thành mặt nước bình yên. Cây cột như một sự cá nhân hóa và cái giường như một sự tan hòa vào cộng đồng.

Các cặp vợ chồng khi cùng ngủ chung một giường các bản thể trao đổi cho nhau, người đàn ông và người đàn bà tác động lẫn nhau (làm mất hiệu lực, như J. Böhme nói), trong sự ngủ chung này họ hóa thành một sự giống nhau, hay đúng hơn ngày càng trở thành một cá nhân thống nhất, như Saint-Martain viết: thống nhất trong sự định hình và định hình trong sự thống nhất, distinguer pour unir. Con người, khi tỉnh dậy trong đêm không nhận ra sự khác biệt giữa mình và người đang ngủ cùng mình.

Không gì dễ hiểu hơn sự lo lắng mà con người khi làm ra cái giường nghĩ đến, họ muốn dựng nên sự bảo vệ vì cái nhà là cái vỏ của cái giường, khi hàng thế kỷ nay người ta nghĩ đến cái đinh vít của giường, tấm đệm, được trải khăn trắng muốt, đặt trên đó chiếc gối nhồi lông chim và cái chăn hay tấm mền mỏng, và cũng không gì dễ hiểu hơn một nền văn hóa giặt chăn gói vải trải giường, là ủi chúng và sáng sáng đặt chúng bên cửa sổ phơi nắng và gió.

Thế gian là rupaloka, như người Ấn Độ thường nói, là nơi để chứa đựng các sự vật và sự việc. Nhưng nếu con người bước vào nhà, lập tức biết ngay những người sống ở đó có mối quan hệ như thế nào với thời hoàng kim. Phần lớn các ngôi nhà, các căn hộ không có một nơi để ngồi, không có một vị trí dành cho sự thân thiện nào, dù ở đó có đủ các mốt, những sự khoe khoang, bóng bẩy, chỉ mỗi sự thân mật, thân thiện là không có.


Cái giường biến mất, chỉ còn lại là một chỗ nằm, không thể dành cho đêm tân hôn, chẳng để sinh nở cũng chẳng dành làm nơi ra đi. Ngủ trở thành một hành vi sinh học thuần túy. Chúng ta sống thiếu vắng sự thân mật, căn nhà trở thành chốn ở là chủ nghĩa lãng mạn hóa. Những hiện sinh-khoang tàu, chúng ta luôn luôn trên đường, nhưng không ai biết mình đi đâu, và không còn du ngoạn nữa, chỉ còn giao thông. Chúng ta ngủ trên đường và những tấm rèm kéo lên che những cửa kính trưng bày chỉ vì nỗi xấu hổ vờ vịt…


Posted

in

, ,

by