The Cricket Project

I came I saw I read.

VỀ HIỆN TƯỢNG “EXOPHONIC WRITER” (Phần II)

Nguyễn Hoàng Bảo Trân

Nguyễn Hoàng Bảo Trân

   Ở phần 1 của bài viết, ta đã cùng nhau tìm hiểu một số vấn đề cơ bản xoay quanh hiện tượng “exophonic writer”. Đến với phần 2, sẽ đi vào tìm hiểu vị trí ngôn ngữ dân tộc trong sáng tác của những nhà văn này thông qua dẫn chứng từ các tác phẩm trực tiếp. Trong đó chủ yếu, bài viết mượn lại kết quả công trình “Exophony and literary translation – What it means for the translator when a writer adopts a new language” của dịch giả người Đức Chantal Wright.

Dấu ấn ngôn ngữ dân tộc trong tác phẩm văn chương của một số nhà văn “Exophonic writer”

  Dịch giả người Đức Chantal Wright đã đặt ra một câu hỏi lớn trước khi bắt tay vào viết tiểu luận “Exophony and literary translation – What it means for the translator when a writer adopts a new language”: “Cho tới cuối cùng, ngay cả khi một người áp dụng một ngôn ngữ khác vào văn học thì họ có thực sự rời bỏ triệt để ngôn ngữ dân tộc, chính là đại diện cho nền văn hóa mà họ đã lớn lên không?”. Để tìm đáp án cho câu hỏi đó, với cương vị của một dịch giả, cô chỉ ra và bình luận những điểm bất thường, khó dịch trong văn bản của một “exophonic writer” sử dụng ngôn ngữ thứ hai là tiếng Đức để sáng tác. Ngay từ phần mở đầu tiểu luận, dịch giả này đã nhấn mạnh một khẳng định rằng khi một nhà văn chấp nhận sử dụng một ngôn ngữ mới, điều này đa số dẫn tới xu hướng khiến họ “nhào nặn trên thứ ngôn ngữ mới này cho đến khi nó trở nên phù hợp với mục đích của họ” [1,1].

   Trong tiểu luận này, sau khi giải thích về việc đặt tiêu đề của mình, tác giả có lí giải một số lí do tạo nên nguyên nhân của việc một số trường hợp nhà văn chọn ngôn ngữ khác để sáng tác. Theo cô, những lý do ấy có thể nằm trong số những điều sau đây: tiếng mẹ đẻ của nhà văn không còn đủ sức biểu hiện hiện thực mới của họ nữa; hoặc rằng nhà văn đã trải qua một số kiểu đứt gãy tiểu sử và cảm thấy rằng sự đứt đoạn này đòi hỏi một cách sáng tác hoàn toàn khác trước đây, thường là bằng một ngôn ngữ mới; hoặc cũng có thể bởi ngôn ngữ thứ 2 này là thứ ngôn ngữ phổ biến, thậm chí mang tính bá quyền, có khả năng vượt ra khỏi rào cản ngôn ngữ – loại ngôn ngữ có tính thân thuộc là hệ quả xảy tới với giai đoạn lịch sử hậu thuộc địa; tiếp theo nữa, rất có thể việc sở hữu tri thức ở hai ngôn ngữ có tác dụng nhận thức nào đó với họ, mở ra những khả năng mới, khiến nhà văn nhận thức được cơ chế của ngôn ngữ, mang lại nguồn cảm hứng văn học; và cuối cùng, về tổng thể, tác giả nhờ lựa chọn ấy mong muốn được đọc và lắng nghe nhiều hơn, trực tiếp từ lượng độc giả lớn hơn thay vì chỉ bó hẹp trong tệp độc giả trong nước.

Sau khi chỉ ra một số lí do xuất hiện hiện tượng này, Chantal Wright đã minh họa cụ thể với trường hợp tác giả Franco Biondi để khẳng định, bóng dáng của ngôn ngữ dân tộc vẫn xuất hiện trong các sáng tác của nhà văn này. Thân phận của một “Gastarbeiter” – những người lao động nước ngoài luôn ám ảnh Biondi.  Trong cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình là “In deutschen Küchen (1997)” [Trong những căn bếp kiểu Đức], sự ám ảnh của một lao động nhập cư nơi ông được tái hiện thông qua nhân vật Dario Binachi, một Gastarbeiter trẻ người Ý, ra sức kể về bối cảnh thị trấn nhỏ Hüttenheim của Đức vào những năm 1960. Đó là nơi có các nhà máy mà Dario đã chạy vạy kiếm một chân lao động. Sự kiện trong đó được nhắc đến ít nhưng các đoạn mô tả chi tiết về những chuỗi quy trình và địa điểm công nghiệp lại xuất hiện dày đặc đã phản ánh trải nghiệm cá nhân của Biondi ở Đức những năm 1960. Từ chỉ “Gastarbeiter” tiếp tục xuất hiện với vai trò nhan đề cho một tuyển tập thơ do chính tác giả này sáng tác sau đó: “Nicht nur gastarbeiterdeutsch”. Điều này có thể ngụ ý rằng ông đã rất tâm đắc với cách diễn đạt “Gastarbeiter/gastarbeiterdeutsch” này. Cần lưu ý, tiêu đề của tuyển tập — Gastarbeiterdeutsch là một từ tiếng Đức hỗn độn, đã có sự pha lẫn với cấu trúc của các thành phần thuộc ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quê hương tác giả, được nói bởi những người lao động nước ngoài tại xưởng sản xuất. Ngoài ra, Chantal Wright cũng nhấn mạnh: “Ngôn từ trong các văn bản của Biondi sử dụng đều mang “hình thái tự do táo bạo” áp dụng lên tiếng Đức. Nó vi phạm các quy tắc ngữ nghĩa chi phối việc tạo ra các danh từ ghép — một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của tiếng Đức — nhằm tạo ra các từ mới và thay đổi vai trò chủ đề của một số mục từ vựng nhất định để cho phép các cụm từ bất thường ở cấp độ câu” [1,7].

  Trường hợp khác được Chantal Wright khảo sát là nữ nhà văn Emine Sevgi Özdamar, người cũng có gốc Thổ Nhĩ Kỳ thông qua trường hợp cuốn tiểu thuyết “Das Leben ist eine Karawanserei”. Chantal nhấn mạnh người đọc Đức khi trải nghiệm tác phẩm này đã cảm thấy rõ rệt một khoảng cách văn hóa lớn khi nữ nhà văn lựa chọn thêm vào tác phẩm viết bằng tiếng Đức của mình các từ thuộc hệ thống ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ví dụ, từ “Hanım”, một tiếng Thổ Nhĩ Kỳ được đưa vào tác phẩm như một hình thức định danh lịch sự dành cho một người phụ nữ được gắn với tên chứ không phải họ, một từ mà tác giả không tìm thấy cách biểu đạt tương ứng trong tiếng Đức. Từ  “Hanım” ấy  không bao giờ được chú thích hoặc dịch nghĩa trong tiểu thuyết và do đó, truyền tải một “cảm giác về sự khác biệt về văn hóa” rõ rệt. Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục xuất hiện trong sáng tác của Ozdamar nơi các từ trường từ thường được dùng với ngữ cảnh sinh hoạt hàng ngày như: “Tamam” hay “Ekmek getirin” và sau đó, chúng được đi kèm với một thuật ngữ tiếng Đức để người đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện. Âm thanh cũng được bà diễn tả bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải bằng tiếng Đức. Chẳng hạn, tiếng ho của những con chó sắp chết được thể hiện là “hıh hıh hıh” mà trong bảng chữ cái tiếng Đức không có chữ nào tương đương. Đôi khi có những từ miêu tả sắc thái chỉ có ngôn ngữ dân tộc này với đặc trưng riêng của nó mới có được, trong khi với ngôn ngữ khác lại rất nghèo nàn. Cuối cùng, việc sử dụng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ còn xuất hiện ở dạng thành ngữ, do đó mở rộng khả năng ẩn dụ của ngôn ngữ Đức. Ví dụ, hoàn cảnh của một trong những nhân vật trong cuốn sách, dì Sıdıka, được mô tả là “ein bißchen besser […] als einem Schwiegersohn, der bei seinen Schwiegereltern leben muß” [tốt hơn một chút so với tình cảnh của con rể phải ở với bố mẹ vợ]. Thành ngữ được dẫn trực tiếp là “iç güveysinden hallice” và đề cập đến một truyền thống cũ, theo đó các chàng rể Thổ Nhĩ Kỳ không có đủ tiền để trang trải cuộc sống tốt đẹp cho vợ buộc phải sống ở nhà bố mẹ vợ, là điển hình cho một tình trạng khốn khổ.

   Ngoài việc phân tích ngôn ngữ dựa trên văn bản của các tác giả sử dụng tiếng Đức là ngôn ngữ thứ hai để sáng tác. Chantal Wright, nhằm phục vụ cho mục đích kêu gọi các dịch giả hãy tôn trọng kiểu ngôn từ “lạ” trong sáng tác của nhóm nhà văn “exophonic writer”, đã dẫn thêm cả nhận xét của nhà phê bình John Bayley ở phần kết luận của tiểu luận, bàn về trường hợp cách cấu tạo từ mới cũng xuất hiện trong thơ của nhà văn lưu vong người Nga Joseph Brodsky, nhằm mở rộng tính khách quan cho đề xuất. Theo trích dẫn của Chantal Wright, John Bayley bình luận trong một bài đánh giá của New York Times về tác phẩm “To Urania” của nhà văn Joseph Brodsky rằng: “Ngài Brodsky sử dụng vần điệu tiếng Anh một cách liều lĩnh mà không một nhà thơ bản địa đương thời nào dám thử nghiệm” và rằng “ngôn ngữ của ông chạm tới một hệ thống khác không thể phân biệt – tiếng Brodsky – thứ ngôn ngữ là sự kết hợp cả tiếng Nga và tiếng Anh, thậm chí nhiều thứ tiếng khác nữa”. Sự “liều lĩnh” của Brodsky thể hiện qua bài thơ “24 tháng 5 năm 1980”, viết nhân dịp sinh nhật thứ bốn mươi của ông, trong đó ông gieo vần “nitty-gritty” với “city”, “warty” với ” fourty”, và “omelette” với “vomit”. Cách chơi chữ, tạo vần ấy hoàn toàn vượt khỏi thị hiếu, quy ước văn học thuộc phạm trù quốc gia[1].

   Tựu trung, thông qua kết quả nghiên cứu và phân tích của dịch giả Chantal Wright trên phương diện ngôn ngữ trong sáng tác của các nhà văn thuộc nhóm “exophonic writer” đã cho chúng ta nhận thấy, ngôn ngữ thứ hai mà họ sử dụng căn bản không còn là ngôn ngữ bản địa “nguyên chất”, thay vào đó, được pha trộn thêm rất nhiều dấu ấn của ngôn ngữ mẹ đẻ, dù rõ rệt hay tế vi nhất. Quả thực, trên ý thức, các nhà văn này có thể cực đoan cho rằng họ đã hoàn toàn cắt lìa phần quá khứ tại quê hương cũ như cách nói của Cioran, tuy nhiên về mặt vô thức tinh thần, phần bên trong con người không thể nhìn thấy, cái hồn cốt của mảnh đất đã dưỡng nuôi tâm hồn họ, chảy trong huyết quản họ rất khó để thực sự mất đi. Tâm thức dân tộc ấy như phần rễ cây vẫn cung cấp dưỡng chất cho những ngọn cây dù ở xa nhất. Và cũng cần hiểu rằng, con người là một hiện hữu được bồi đắp bởi các trải nghiệm từ cả quá khứ, hiện tại cho tới tương lai, tinh thần dân tộc mà một yếu tố của nó là ngôn ngữ dân tộc rất khó bị lãng quên hoàn toàn trong tâm trí. Chính bởi điều này, quay trở lại với khẳng định của nhận định cho rằng nhà văn trong quá trình sáng tạo không thể thoát li hoàn toàn với ngôn ngữ dân tộc, đối với trường hợp các cây bút thuộc nhóm “exophonic writer” có thể đưa ra kết luận rằng, tồn tại một tập hợp tác giả trong số này mà các sáng tác bằng ngôn ngữ mới của họ vẫn chịu sự chi phối của hệ thống ngôn ngữ dân tộc. Tuy nhiên, khẳng định ấy chỉ mang tính tương đối bởi như đã trình bày, xu hướng di dân và phẳng hóa toàn cầu dẫn tới các tình huống, hiện tượng nảy sinh đối với các ngành khoa học xã hội nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng diễn biến vô cùng phức tạp mà ta sẽ thử điểm qua ở đề mục tiếp theo.

Một số khó khăn trong việc truy dấu dấu ấn ngôn ngữ dân tộc trong sáng tác của hiện tượng “Exophonic writer”

   Thực tế rằng đời sống con người thì luôn biến chuyển không ngừng mà bởi vậy, việc sử dụng những kết luận mang tính phổ quát trường tồn để áp đặt lên một hiện thực phong phú là điều không thể. Đối với trường hợp các nghiên cứu về sự ảnh hưởng của ngôn ngữ dân tộc lên sáng tác văn chương cũng có xu hướng tương tự như thế. Một khi những khái niệm như “giải lãnh thổ hóa”, “hậu thuộc địa”, “hậu quốc gia” ra đời, cũng là lúc ta hiểu rằng, bản chất cũng như sự vận động của thứ ngôn ngữ mà ta gọi là ngôn ngữ thuộc về một dân tộc không còn có thể được nhìn nhận một cách đơn thuần như trước được nữa.

   Ta có thể dẫn lại trong phần này trường hợp của nhà văn Dan Vyleta, về việc trước khi đi tìm ảnh hưởng của ngôn ngữ dân tộc trong sáng tác của anh, ta cần phải trả lời được câu hỏi đâu mới được coi là ngôn ngữ mẹ đẻ của tác giả này. Tương tự như vậy,  hiện tượng các tác giả là con lai, có cha mẹ nói hai ngôn ngữ tiếng khác nhau và dùng một ngôn ngữ chung để giao tiếp cũng cần được chú ý bởi đây là tình huống xảy ra tương đối phổ biến trong xã hội đương đại ngày nay.

   Quan sát trong văn chương Việt Nam, một cái tên cũng đáng phải chú ý khi bàn tới chủ đề này là tác giả Linda Le cùng các sáng tác của bà. Là một nhà văn gốc Việt sớm di cư sang Pháp và được nuôi dạy trong các trường “đào tạo Tây con” từ tấm bé, Linda Le lựa chọn sáng tác bằng ngôn ngữ Pháp thay thế ngôn ngữ Việt. Mặc dù không có ý định từ bỏ gốc gác, song Linda Le luôn mang mặc cảm rằng: “Tôi tránh làm sứ giả của những người lưu đày, bởi lẽ tôi là một kẻ bội phản đã quên đi tiếng mẹ đẻ của mình và đã lấy tiếng Pháp để kể lại những nỗi gian truân của những nhân vật mơ hồ, hai mặt, luôn ở giữa dòng, bị xô đẩy chỗ này chỗ khác, quay về với quá khứ nhưng lại lo phải gạt bỏ những mối hiểm nguy của sự hoài niệm”[2]. Có lẽ cần tới một công trình để khảo sát ngôn từ trên văn bản gốc tiếng Pháp của Linda Le xem liệu cấu trúc cũng như kiểu tư duy của ngôn ngữ Việt có ảnh hưởng lên cách sử dụng ngôn từ của bà hay không khi chính nhà văn này luôn ý thức rằng: “Tôi tự thấy mình là người ngoại quốc triệt để, bất cứ khi tôi ngụ ở đâu. Tôi đã lớn lên tại Việt Nam như người ngoại quốc, và tôi đã sống như người ngoại quốc trên đất Pháp” [3].

Kết luận

   Tóm lại, sự vận động của đời sống con người hiện đại dẫn tới đòi hỏi thay đổi cách nhìn đối với các phạm trù ta tưởng đã quen thuộc. Sự xuất hiện của hiện tượng “Exophonic writer” chính là một biến số đối với các nhà lí luận văn học, thúc đẩy họ phải nghiên cứu và lí giải các tầng bậc ý thức thể hiện thông qua hình thức lẫn nội dung của một tác phẩm. Dựa trên một số nghiên cứu đã công bố ta nhận thấy, nhìn chung khi tiếp cận sáng tác bằng một ngôn ngữ mới, người viết đã có xu hướng “bẻ cong” ngôn ngữ ấy để phù hợp với kinh nghiệm của mình mà ở đây là những kinh nghiệm gắn với kí ức về đời sống dân tộc đã kiến tạo con người họ. Tuy nhiên, bởi sự lung lay của khái niệm dân tộc, vấn đề ngôn ngữ dân tộc hay trong khuôn khổ của nhận định gắn với ý tưởng về một thứ ngôn ngữ mẹ đẻ duy nhất là điều khó còn có thể bóc tách tuyệt đối với trường hợp những nhà văn mất gốc hoặc những nhà văn được sinh trưởng trong dung môi đa ngôn ngữ – đa văn hóa. Việc xác định quy chuẩn cho các nghiên cứu là tương đối phức tạp chưa kể tới những bàn luận xoay quanh việc nếu ngôn ngữ dân tộc không còn hiện diện trong tâm thức của một nhà văn nữa, văn chương của anh ta có phải là thứ văn chương mất gốc thiếu nền tảng và hời hợt về giá trị hay không. Sự ảnh hưởng của ngôn ngữ dân tộc, việc sáng tạo không thể thoát li hoàn toàn ngôn ngữ dân tộc vẫn còn là một nan đề cần chứng minh.

Tài liệu tham khảo:

[1] Chantal Wright (2010), Exophony and literary translation – What it means for the translator when a writer adopts a new language, University of Wisconsin-Milwaukee.

[2] Linda Le (2010), Linda Lê – Những người xa lạ  kì lạ (Trần Văn Công dịch), lythuyetvanhoc.wordpress.com.

[3] Đức Sơn (2022), Linda Lê: Không thuộc về đâu nên thuộc về tất cả, vannghequandoi.com.vn.