Juhani Pallasmaa
Kiến trúc sư người Phần Lan và là cựu giáo sư, đứng đầu ngành kiến trúc tại trường đại học công nghệ Helsinki ( nay đã sáp nhập vào thành trường đại học Aalto )
- Tác giả: Just Hải
- 14/05/2023
- 15:00
Vì sao một cuốn sách về lý thuyết kiến trúc viết vào những năm 90 lại có thể mang đến giá trị cho những người đọc thông thường vốn không mấy quan tâm đến quá trình xây cất hay thiết kế? Đó là câu hỏi tôi tự đặt ra mỗi lần có ý định giới thiệu “Mắt của da”, cuốn sách mỏng của nhà lý luận kiến trúc Phần Lan Juhani Pallasmaa.
Liệu tôi sẽ nói về những tứ lập luận sáng sủa được truyền tải qua giọng văn giàu chất thơ của Pallasmaa, mà bản dịch của Nhabe Scholae đã bảo lưu thành công? Hay sẽ nói đến cách thiết kế và dàn trang tối giản và thanh nhã của cuốn sách mỏng?
Sau một hồi suy ngẫm, tôi thầy rằng lý do thuyết phục nhất mà mọi người nên đọc Mắt của da là vì tính thách thức của nó với lẽ thường tư duy. Cuốn sách đã mang đến một phê phán sâu xa với định niệm ẩn dấu không chỉ văn hóa kiến trúc hiện đại mà còn chạy dọc truyền thống tri thức tây phương, mà tác giả gọi là “võng tâm luận”, hay nói đơn giản hơn, là nỗi ảm ảnh dai dẳng, coi đôi mắt như điểm xuất phát triết học cho mọi nỗ lực tương tác với thế giới của chúng ta.
Một ví dụ rõ ràng nhất cho điều này là sự phân đổi cơ thể-tâm trí, điều định hình nên văn hóa phương tây.
Theo như sự phân chia này, thì con mắt là một ẩn dụng cho Tâm trí – một phạm trù được phân bổ cho những đặc tính “cao quý” như suy tư hay sự khách quan: hiểu (understand) là thấy (to see), cân nhắc (consider) cũng là chiêm nghiệm (regard). Trong khi đó, cơ thể, gắn với bốn quan năng còn lại là vị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác, bị cho là lãnh địa của “cảm xúc” và sự “chủ quan” – những nguồn tri thức và cảm quan bị cho là quá đỗi thấp kém, đến độ dù có bao dung, ta cũng phải chỉnh huấn lại chúng dưới “ánh sáng” của lý trí. Và thứ lý trí này, trong quan niệm truyền thống, cũng không nằm đâu khác ngoài một “tâm trí” nằm ngoài lịch sử, thời gian, không gian – thứ tâm trí khách quan nằm ngoài cơ thể.
Như quan sát của Pallasmaa, những ẩn dụ nằm trong tập quán suy tư này không hề vô hại. Trong kiến trúc của thời hiện đại, những mối liên hệ này là tác nhân gây nên sự tập trung quá mức vào những thiết kế đô thị thỏa mãn thị giác, nhưng lại xa lạ với cảm nhận cơ thể của những người sống trải trong nó. Những nhà thiết kế đô thị hiện đại, lạc hướng trong định kiến ghét bỏ cơ thể, cũng báo hiệu một não trạng phụ thuộc vào hình ảnh thống trị trong thời đại kỹ thuật số sau này, nơi thế giới mà chúng ta chung sống bị làm cho nghèo nàn đi những trải nghiệm cơ thể.
Về tổng thể, luận đề của tác giả không thực sự mới mẻ hay độc đáo, như chính ông cũng thừa nhận khi dẫn lại những lập luận của Martin Jay, Hal Foster, Maurice Merleau-Ponty, Michel Foucault, những nguồn cảm hứng cho phê phán của ông. Tuy nhiên, điều khiến cuốn sách này không trở thành một tổng quan tài liệu nhàm chán là khả năng của Pallasmaa trong việc mang chuyên môn kiến trúc của mình ướm lên những phê phán mang tính lý thuyết chống lại “đế chế võng tâm luận kiểu Dercarste”. Những ví dụ từ kiến trúc mà ông đưa ra để minh họa cho mạch phê phán, dù hẳn sẽ có thể khiến ta ngợp trong những rừng name-drop, đã thành công trong việc đưa những lập luận về với mặt đất, trong những sống trải thường ngày của chúng ta, và từ đó gợi cho ta suy nghĩ về những khả thể thay đổi thế giới, nơi “tính vật chất” của thế giới và con người được coi trọng.