The Cricket Project

I came I saw I read.

FRANZ KAFKA – KẺ NỔI LOẠN

Becca Rothfeld

Becca Rothfeld

Nhà phê bình sách thể loại phi viễn tưởng của tờ Washington Post, biên tập viên tại The Point

Văn học thường đến với chúng ta ở dạng hoàn thiện, đã được ấn định. Thật khó để hình dung chuyển động của ngôn từ khi trên tay là những ấn phẩm đã thành hình. Ta nghĩ tới điều này khi đối diện với các tác phẩm của Franz Kafka. Hầu hết chúng được xuất bản sau cái chết của ông, nhờ công của người bạn thân, Max Brod, và phần lớn vẫn còn vương lại những dấu vết của sự không xác định. Có ba tiểu thuyết của Kafka chưa được hoàn thành, và nỗ lực cuối cùng của ông, cuốn Lâu Đài, kết thúc ở lưng chừng một câu văn. 

 

Những tác phẩm của Kafka không chỉ dang dở, rất nhiều trong số đó mang những suy ngẫm về tính bất khả thi của sự hoàn thiện. Trong một câu chuyện, một người đưa tin đi từ hết tiền sảnh này đến tiền sảnh khác mà chẳng bao giờ đem được thông điệp tới người nhận. Ở tiểu thuyết thứ hai của Kafka, Vụ án, một luật sư soạn đi soạn lại mẫu đơn không hồi kết, và một nhân vật trong tiểu thuyết Lâu Đài tự hỏi liệu hành trình diện kiến vị chủ nhân bí ẩn liệu sẽ có điểm dừng. Nếu những tác phẩm của Kafka là vô tận tựa như quãng đường tới Lâu Đài, thì đó là bởi chúng mù mịt một màn sương của những điều bất tiên đoán. Theo cách gọi của Walter Benjamin, những “truyện thần tiên dành cho các nhà biện chứng” này, là nơi luật lệ được áp đặt rồi bị tước bỏ, quy tắc được đặt ra để bị vi phạm. Thái độ của gã quan liêu trong tác phẩm Lâu Đài có thể mang hai ý nghĩa, “hoặc là quy trình đã bắt đầu, hoặc hoàn toàn chưa khởi sự”. Các bị cáo trong cuốn Vụ Án dành hàng giờ đồng hồ giữa các tranh luận đặc tính phân tích về hành xử của các quan tòa, nhưng không thể đạt được một sự đồng thuận về ý nghĩa của chúng. Họ ý thức được mình sống trong một thế giới đầy rẫy những điềm báo, nhưng lại không thể lý giải được chúng có nghĩa gì. Chưa bị kết tội, nhưng họ đã nhận sự đọa đày vào vòng lặp không hồi kết của diễn giải.

 

Một người trung thành với sự bỏ lửng như Kafka đương nhiên sẽ giữ thói quen viết nhật ký – những ghi chép không thể kết thúc trước cuộc đời của chủ thể, không yêu cầu sự hoàn thiện bóng bảy dành cho công chúng. Mặc dù đôi khi ông viết theo những cơn ngẫu hứng, phần lớn những gì ghi lại đều đã được cân đo soi xét, và 12 cuốn sổ cá nhân của ông (cùng bốn tập ghi chú trong các hành trình) là một bộ sưu tập những do dự thật công phu. Có những bản thảo được thai nghén và loại bỏ, những đoạn văn được chỉnh sửa và thay đổi không thương tiếc.

 

Bản dịch mới mang tính thời đại của Ross Benjamin, Nhật ký của Franz Kafka (Schocken), là ấn phẩm đầu tiên cho thấy toàn bộ sự mong manh hỗn loạn này. Phiên bản của Martin Greenberg (xuất bản năm 1948) và Joseph Kresh (năm 1949) đã không thể làm được điều ấy: chúng dựa trên một bản thảo đã bị chỉnh sửa nặng nề bởi Brod, hẳn là trong một nỗ lực nhằm bảo vệ danh tiếng của Kafka và cả của chính mình. Trong phiên bản nhật ký bị phá hoại ấy, các ghi chép đã được sắp xếp lại để đảm bảo tính liên tiếp, những chi tiết dâm dục và gợi nhắc tới đồng giới đã bị loại bỏ, lỗi ngữ pháp được sửa lại, phương ngữ được chỉnh sửa một cách cứng nhắc theo hướng vùng cao nước Đức, dấu câu được thêm vào, các bản thảo và phần chỉnh sửa được loại bỏ nhằm đặt ra một sự phân biệt rạch ròi nhưng giả tạo giữa viễn tưởng và hiện thực, và những đoạn mà Brod thấy không hấp dẫn cũng bị cắt xén. Thành phẩm đạt được thì bóng bảy và chỉn chu, nhưng chẳng có mấy phần là nhật ký mà nhiều phần là một công trình tưởng niệm. Một Kafka nguyên bản, trong bản dịch mới, đã bớt cứng nhắc và sống động hơn nhiều. Ông chẳng thèm viết hết câu và thỉnh thoảng còn chẳng kết được hết từ. Có nhiều ghi chép không rõ ngày tháng, và đôi khi chúng còn cách nhau một khoảng thời gian dài.

 

Cũng bởi vậy, những cuốn nhật ký ấy đều dang dở, chúng không được biên tập và lại thiếu hụt các cột mốc tiểu sử quan trọng. Những độc giả xa lạ với Kafka sẽ không tìm được gì về những sự kiện đã định hình nên tác giả qua những ghi chép này. Các cuốn sổ được bắt đầu từ năm 1909, khi Kafka 25 tuổi, và kết thúc năm 1923, một năm trước cái chết của ông. Đã có nhiều các bài luận phân tích cuộc tình rối rắm éo le của ông với Felice Bauer – người mà ông đã đính hôn, hủy hôn, lại đính hôn, rồi lại hủy hôn – nhưng những ghi chép về bà trong nhật ký lại khô khan và qua loa một cách đáng ngờ. “Ngồi trong thư phòng viết thư cho F.”, ông viết. Vài ngày sau, “Nhận thư của F.”. Hôn thê thứ hai và là cuộc tình bớt sóng gió hơn của Kafka, Julia Wohryzek, nàng thư ký mắc bệnh lao, cũng chỉ xuất hiện trong nhật ký một vài lần, qua những ghi chú ngắn ngủn và kiệm lời. (“Đi lên đi xuống với J.,” “Yên lặng với J.”) Nhiều lần, Kafka nhắc tới Milena Jesenská-Pollak, phiên dịch viên người Tiệp phóng khoáng đã trao đổi với ông hơn trăm lá thư, nhưng ông viết tắt tên bà thành “M” và gói gọn mối tình của họ lại thành một điều thoáng qua. Dora Diamant, người mà ông chia sẻ một mối quan hệ nhiệt thành và suôn sẻ những năm cuối đời lại hoàn toàn không được nhắc tới. 

 
  Những chi tiết ẩn ý về các sự kiện quan trọng nằm rải rác trong các ghi chép thì không thể nào nhận ra được, chưa nói đến việc giải mã, nếu không đi kèm với các thông tin bổ trợ. Ở một đoạn, Kafka viết: “Không nhận được điện tín nào”. Ai mà có thể giải mã được từ tuyên bố tỉnh bơ này rằng tác giả của nó đang mòn mỏi chờ đợi một lời hồi đáp quan trọng từ Felice cơ chứ? “Trở về từ Berlin,” ghi chú lại sau đó. “Bị kìm hãm như một tên tội phạm vậy. Nếu người ta cho tôi ngồi vào góc, xích gông lại và để một tên cảnh sát đứng canh như vậy cả buổi thì cũng chẳng thể tệ hơn. Mà đây là lễ đính hôn của tôi đấy.” Người đọc nếu có nhầm rằng Kafka đang tả một buổi xét xử thay vì một dịp đầy hân hoan chính là lễ đính hôn của mình, tổ chức bởi gia đình của Felice, thì cũng là điều dễ hiểu. 
Nếu không có ngữ cảnh thì chúng ta sẽ không thể hiểu được những ghi chép này, chúng được cung cấp trong phần chú thích dày dặn của bản dịch mới, và ngược lại, ta cũng không thể hiểu được hoàn cảnh của Kafka nếu không tham khảo các ghi chú của ông. Không ai có thể luận ra được tình cảnh của cuộc đính ước chỉ dựa vào nội dung các cuốn sổ, nhưng cũng không ai hiểu được ông cảm thấy bức bối thế nào trước một dịp đáng chúc mừng nếu không đọc cách ông so sánh nó với cảnh bị cầm tù. Với Kafka, mối quan hệ giữa ngôn từ và thế giới là mối quan hệ cộng sinh. Văn học là một nhánh của cuộc sống, nhưng cuộc sống thật đơn điệu và vô nghĩa khi thiếu đi sự điểm xuyết của văn học. 
 
“Tôi chẳng là gì nếu không có văn học, không thể và cũng không muốn trở thành gì khác”: Lời khẳng định chắc nịch này của Kafka trích từ một lá thư gửi cha của Felice, bị Felice giữ lại trước khi kịp tới tay người nhận. Tuyên bố này tuy rất ấn tượng, nhưng cũng không chính xác. Kafka, ngoài văn học, còn là một người có lịch sử, gia đình, và thể xác. Thậm chí, ông còn từng có một đứa con. 
 
  Ông sinh ra vào ngày mùng 3 tháng 7 năm 1883, tại Prague, lúc bấy giờ là một tỉnh thuộc đế quốc Áo – Hung tại Bohemia. Vốn là một kinh đô văn hóa, thành phố sớm từ bỏ uy quyền của mình cho Vienna hoa lệ và Berlin kiên cường. Chàng thanh niên Kafka càu nhàu trong một bức thư gửi bạn mình: “Prague có sức hút mãnh liệt… thành phố già này không dễ dàng buông tay.” Lời than phiền này hóa ra lại mang tính tiên đoán: dù đã nhiều lần cố gắng rời đi, nhưng chỉ tới năm cuối đời Kafka mới xa rời nơi này được một thời gian ngắn. 

  Tại Bohemia nơi Kafka không thể thoát khỏi, căng thẳng giữa cộng đồng thiểu số những người nói tiếng Đức và cộng đồng nói tiếng Tiệp sục sôi và cuối cùng bùng nổ thành các trận nổi loạn. Kafka thông thạo cả hai thứ tiếng, nhưng là một người Do Thái ông đau xót nhận thấy rằng mình không thuộc về một bên nào cả. Mặc dù các tác phẩm xuất sắc nhất của ông được viết bằng tiếng Đức sắc bén, nhưng trong nhật ký của mình, ông thổ lộ: “Tôi đã chẳng thể dành tình thương cho mẹ của mình nhiều như bà xứng đáng nhận được và nhiều như tôi có thể, là bởi tiếng Đức đã ngăn cản tôi. Người mẹ Do Thái chẳng phải là “mutter” (từ gọi mẹ trong tiếng Đức), gọi như vậy khiến bà có đôi chút kỳ lạ.”
 
Kafka không phải là một người quá mộ đạo, nhưng ông vẫn rất coi trọng các kết nối truyền thống của mình. Ông tham gia một chút vào Chủ nghĩa Zion, học tiếng Hebrew, và làm mọi cách để kết thân với các thành viên thuộc đoàn diễn Yiddish khi họ ghé thăm Prague. Mặc dù các tác phẩm của ông không ám chỉ cụ thể đến những gian khổ mà dân tộc ông phải trải qua, nó vẫn dày đặc những cá thể bị cô lập và những cuộc bức hại vô lý khiến ta không thể không nhớ đến những thách thức mà cộng đồng người Do Thái ở các vùng nông thôn phải đối mặt, họ chỉ cách Kafka có một thế hệ.
 
Sau cùng thì, cha mẹ của Kafka, bị rượt đuổi ra khỏi thị trấn nhỏ của mình, chỉ nhận được sự tôn trọng và chấp nhận trên danh nghĩa sau khi họ mở một cửa hiệu bán đồ xa xỉ tại trung tâm thành phố. Chẳng trách mà họ không thể hiểu nổi khi đứa con ngỗ nghịch của mình nhất mực không nối nghiệp gia đình. Trong lá thư bị xen ngang gửi cha của Felice, ông viết: “Tôi sống trong một gia đình với những con người thiện lành, nồng hậu nhất, nhưng tôi lại xa lạ với họ hơn cả một người dưng.”
 
Ông cũng tỏ ra bàng quan về thu nhập của mình: một mực tin vào sự khôn ngoan khi tách biệt đam mê và nghề nghiệp, Kafka trẻ tuổi quyết định theo đuổi bằng tiến sĩ ngành Luật, một lĩnh vực mà ông từng miêu tả là “một kiểu tri thức vụn vặt mà hàng ngàn những cái mồm đi trước đã nghiền sẵn ra cho tôi.” Có thể ông đã phát ớn với cái tiền đồ vô vị này, nhưng nó cho ông một chân làm việc tại Sở Bảo hiểm Tai nạn Lao Động của vương quốc Bohemia, với lượng công việc vắt kiệt sức người. Từ năm 1908 đến 1922, ông dành cả ngày thúc giục các doanh nghiệp đăng ký bảo hiểm cho công nhân của mình, trả lời thư từ của những người lao động bất mãn, và viết các bài tuyên truyền về tầm quan trọng của an toàn nơi làm việc. Ông hoàn thành tốt công việc của mình, nhưng chẳng hề thích thú nó, và ông căm ghét mọi giây phút lãng phí tại văn phòng đó. Thời gian biểu mà ông cố gắng áp dụng hàng ngày nhưng thất bại thật gây mệt mỏi: ban ngày đi làm, tối về nghỉ ngơi, ban đêm dành hàng giờ đồng hồ viết lách. Trong vòng 14 năm mài lưng cho ngành dịch vụ công, ông đính ước hai lần với Felice và một lần với Julie, nhưng hơn tất cả ông trung thành với đời sống bí mật của mình khi người ta say giấc nồng. Cuối cùng, ông đã không bao giờ kết hôn. Ông chẳng thể cam kết với bất cứ gì ngoài văn chương.
 
Nhưng Kafka không chỉ dành toàn bộ thời gian của mình trên giường, bên bàn làm việc, giải quyết bảo hiểm cho các công nhân. Ông cũng thường xuyên gặp gỡ bạn bè, đi du lịch đó đây, và trở thành một đại diện tiêu biểu của phong trào Lebensreform, một xu hướng sức khỏe tung hô các phương pháp thiên nhiên. Tuân thủ các quy tắc của phong trào này, ông áp dụng chế độ ăn chay và luôn giữ cửa sổ mở để thông thoáng khí. Mỗi ngày, ông dành 15 phút tập thể dục, và làm bạn cùng bàn của mình phát cáu khi nhất quyết tuân theo phương pháp Fletcherizing khi ăn – nhai đồ ăn của mình cho thành bã, dựa theo nguyên lý được lan truyền bởi một người sành điệu lúc bấy giờ là Horace Fletcher, còn được biết đến với cái tên “Kẻ Nhai lại Đại tài”. Kafka tin rằng không khí lạnh sẽ làm mình khỏe hơn và từng khoe khoang rằng mình thường đi bộ cho tới khi ngón chân tê cứng, và ông cũng hai lần nghỉ dưỡng ở các trung tâm chăm sóc sức khỏe. Ông thường tham gia các cuộc leo núi vào cuối tuần ở vùng nông thôn lân cận, và đôi khi, làm vườn ở vùng ngoại ô. Trên tất cả, ông đam mê bơi lội và sẽ bơi bất cứ lúc nào, thường xuyên có mặt tại vùng cảng của Prague vào mùa hè và đến thăm các hồ nước với phong cảnh trữ tình mỗi khi có cơ hội.
 
Bên cạnh tất cả những sở thích này, Kafka vẫn tìm được thời gian viết lách và xuất bản thường xuyên, đủ để dành được một sự công nhận khiêm tốn. Hai tuyển tập văn xuôi ngắn của ông nhận được các nhận xét ngưỡng mộ, một trong số đó so sánh chúng với các tác phẩm của Thomas Mann, một vài truyện ngắn của ông được đăng trên các tờ báo và tuần san văn học. Robert Musil, lúc bấy giờ là một biên tập viên tại một nhà xuất bản có tiếng, đã ấn tượng với các tác phẩm của Kafka tới mức năn nỉ cây bút trẻ đóng góp vào tạp chí nội bộ của họ. Nhưng Kafka biết rằng phải cần tới một cuốn tiểu thuyết để đưa tên tuổi của ông lên hàng ngôi sao, mà ông lại quá cầu toàn để có thể hoàn thành nó mà không mất hàng năm trời dằn vặt, chán ghét và nghi ngờ bản thân. Vào thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh lao, năm 1917, ông đã đang mòn mỏi với hai tác phẩm lớn suốt một thời gian dài. Ông bắt đầu nỗ lực cuối cùng của mình vào năm 1922. Khi bệnh tình ngày một tệ đi, ông vẫn tin rằng cả ba lần thử đều đã thất bại, và đã yêu cầu Brod hủy bỏ các bản thảo của mình sau khi ông chết. Năm 1924, đúng một tháng trước sinh nhật tuổi 41 của mình, ông từ giã cõi đời. Chẳng bao lâu sau đó thì người bạn thân nhất quyết định đi ngược lại với nguyện vọng cuối đời của ông.
 
Đó, chính là cuộc đời của Kafka. Dòng sự kiện và những chất liệu thường ngày của nó lại vắng bóng bất thường trong những suy ngẫm cá nhân. Nhật ký của ông tiết lộ một vài đoạn hồi tưởng lạc lõng, hầu hết là về tuổi thơ, nhưng chúng thường mang giọng điệu xa cách thật kỳ lạ. Vậy, có gì trong những trang sổ ấy? 

Thay vì hồi kí, chúng ta có ghi chép về các giấc mơ của Kafka (cũng tẻ nhạt như của bao người khác), những cuốn sách ông đang đọc (bao gồm vài trang viết về lịch sử thất bại của Napoleon tại Nga), tóm tắt các vở kịch và phần trình diễn (mặc dù cho rằng chúng khá sến sẩm nhưng ông vẫn thấy thích thú), và các đoạn trích khó hiểu đến nỗi cả một phần chú thích dày cộp cũng không thể giải nghĩa nổi (“chỉ còn lại chiếc áo khoác tung bay, những thứ còn lại đều thật giả tạo”). Kafka tung hô Kleist và Goethe, khinh thường Dickens, vật lộn với các nghiên cứu về đạo Do Thái, và trầm ngâm về sự khác biệt giữa kịch và tiểu thuyết. Ông hứng thú với hồi ký, tiểu sử, và tuyển tập các lá thư, dường như chỉ có thể ngấm nổi thực tế khi nó nằm trên trang giấy. 
  
Đương nhiên, ông cũng chẳng bỏ công tách rời viễn tưởng với những thứ khác, đôi khi thật khó để phân biệt các đoạn phân tích văn học của ông với mơ mộng viển vông. Sẽ có những đoạn mở đầu biến tướng thành những câu chuyện kỳ khôi, rồi lại kết thúc một cách đột ngột. Ở một ví dụ, người kể của chúng ta tuyên bố như sau: “Tôi đã muốn đọc một chút đấy, nhưng rồi gã hàng xóm xẻ đôi cửa với một cây rìu.” Một ví dụ khác, người này vì ngủ quên, nên đã lỡ hẹn với bạn của mình. Khi những người bạn tới gọi, ông kể lại rằng,
Tôi giật nảy cả mình, nhảy ra khỏi giường và chỉ biết nhanh nhanh chóng chóng mặc đồ vào. Khi bước ra khỏi cửa ăn mặc đàng hoàng, đám bạn tôi sửng sốt lùi lại. “Ông có cái gì phía sau đầu thế kia?” họ kêu lên. Từ lúc tỉnh dậy tôi đã cảm thấy có thứ gì vướng víu làm không thể ngả đầu ra được, tôi bèn thò tay ra sau tìm cái vật đó. Đám bạn tôi, giờ đã bình tĩnh lại chút đỉnh, gào lên: “Cẩn thận, đừng để bị thương” khi tôi nắm lấy chuôi một thanh kiếm từ phía sau đầu.

Mẩu chuyện này không xuất hiện thêm lần nào khác, nhưng có nhiều đoạn cắt tương tự được xào nấu lại với một chút thay đổi, kéo dài trong vài năm. Có sáu lần Kafka thử nghiệm với một bản nháp về những tác động tiêu cực của giáo dục, nhưng đã bị bỏ giở. Đôi khi, ta tìm thấy bản thảo đầu tiên của những tác phẩm hoàn thiện, bao gồm Sự phán xét (The Judgement), câu chuyện mà Kafka chắp bút khi cao hứng chỉ trong một đêm. 

 

Bên cạnh những màn xoáy vào chốn viễn tưởng, phần hấp dẫn nhất của nhật ký cũng là một bữa tiệc thị giác. Kafka mô tả người quen, kẻ lạ và hoạt cảnh đô thị với sự quan sát phũ phàng chẳng kém gì một bức chân dung của Lucian Freud. “Từ lớp da căng bóng trên cái đầu hói của lão sếp đi xuống mấy nếp nhăn mảnh mai trên trán, thật thô kệch.” “Dễ làm giả đến ngờ nghệch, đừng có sản xuất tiền giấy như vậy nữa”. Một diễn viên đoàn kịch Yiddish độc thoại mà “nhăn tít cả cái trán với cái mũi lại, cứ tưởng chỉ có nắm đấm mới nhăn được như thế.” Kafka khá khô khan khi viết về các người tình của mình, nhưng lại cho thấy một sự mùi mẫn trước những khung cảnh ấn tượng quanh thành phố: có đoạn, ông thốt lên: “Nhìn mấy bậc cầu thang tôi cảm động quá đi mất.”

 

Ấn tượng về một Kafka và những nỗi buồn dai dẳng khiến người ta bất ngờ trước tình cảm của ông dành cho dạng kiến trúc cụ thể kia. Từ một bậc thầy của việc tự dằn vặt bản thân, ta thường mong đợi một tràng dài những thống khổ và bệnh tật. Mà theo yêu cầu thì những than vãn tuyệt vọng kiểu đó cũng nằm trong nhật ký. Kafka rõ ràng thích thú khi vào vai một kẻ vô phương cứu chữa, thường phản ứng một cách thái quá trước những vấn đề nhỏ nhặt. Khi mắc phải cơn đau đầu, thì “như có hai tấm ván đóng đinh vào thái dương”; khi mất ngủ, “như nhét đầu vào một cái lỗ lạ”. Ông khá nhạy cảm với âm thanh, trong một bài viết ngắn sau này được xuất bản bởi một tạp chí, ông than phiền rằng phòng ngủ của mình “tựa nơi tụ tập của tất cả các tạp âm trong căn hộ vậy.” Những lá thư của ông cũng nhắc nhiều về một nỗi sợ chuột. Nhà nghiên cứu tiểu sử, Reiner Stach nhận xét rằng: “Với người đàn ông này thì bất cứ cái gì cũng có thể trở thành vấn đề.”

 

Không phải tất cả những phiền muộn của Kafka đều khó hiểu đến vậy. Ông hoàn toàn có lý do để kêu ca về công việc văn phòng nhạt nhẽo, không triển vọng của mình, cũng khó để không đồng cảm khi ông than vãn rằng cuộc đời mình “giống như một sự trừng phạt mà kẻ nhận tội phải viết đi viết lại một câu vô nghĩa, mười lần, một trăm lần, thậm chí còn nhiều hơn tùy vào tội lỗi của anh ta” – ngoại trừ trong trường hợp của ông thì “hình phạt kéo dài cho tới khi không thể chịu đựng nổi”. Có những khoảng thời gian khi cơn trầm cảm phủ một lớp bụi dày đặc lên cuộc sống ông đến nỗi nó làm lu mờ bất cứ một tia hy vọng nào: “Có người trốn tránh cơn khốn khổ bằng cách nhìn vào cái tích cực, ông lại khước từ cái tích cực bằng cách hướng về cái khổ đau.” Thứ duy nhất mà làn mây mù u ám ấy không thể chạm tới là việc viết lách, ít nhất thì ông tin là như vậy. “Khi từng phần của cơ thể nhận ra rằng viết là con đường dẫn lối hiệu quả nhất dành cho tôi,” ông thừa nhận, “mọi nỗ lực chảy về đó và bỏ lửng toàn bộ những khả thi dành cho thú vui ái ân, ăn uống, chiêm nghiệm triết học và âm nhạc. Tôi bị bòn rút trên mọi phương diện khác.” Ngay cả trong tiếng kêu than bất lực này, ông vẫn nhắc đến viết lách như là một điều chảy trong máu, trong từng thớ thịt của mình, không phải một thứ tách rời, thiếu hụt.


  Ngay cả sự thống khổ cùng cực nhất cũng có thể tồn tại chung với cơn khát bùng nổ dành cho sự sống. Giống như bao người khác, Kafka cũng là một cá thể chứa đầy sự mâu thuẫn, cả thư từ và nhật ký của ông đều phủ định hình tượng một nhà văn thụ động và khép mình. Thực ra, Kafka hiện ra từ những trang nhật ký là một người năng nổ bất ngờ, cũng trải qua những biến động cảm xúc thất thường. Đôi khi ông thu mình khỏi ánh dương, nhưng bỗng một ngày bùng nổ chẳng vì bất cứ lý do gì. “Tôi muốn giãi bày cái niềm hạnh phúc chỉ thỉnh thoảng ghé thăm tôi như ngay lúc này đây.” 

Trong một lá thư gửi Felice, Kafka mơ mộng về việc lui về ở ẩn trong một căn hầm: 

Anh thường nghĩ rằng phong cách sống phù hợp nhất với mình là ngồi sâu trong một căn hầm rộng rãi với đồ nghề viết lách của mình và một cây đèn. Đồ ăn sẽ được tiếp tế đặt ở xa khỏi phòng anh, phía ngoài cửa căn hầm.

 
Nhưng nhật ký của ông tiết lộ rằng Kafka chẳng hề muốn sống quy củ. Ông bận rộn với các vở kịch và các buổi thuyết giảng, và trong những năm về sau, là với sự lên ngôi của các rạp điện ảnh. Ông cũng chẳng bao giờ vào vai một kẻ lầm lì tách biệt như trong những mộng tưởng của mình: “Một buổi tối tuyệt vời với Max. Nếu tôi yêu bản thân mình thì tôi thậm chí còn yêu cậu ta nhiều hơn.” Các ghi chép của ông trong một chuyến đi tới Paris cùng với Brod vào năm 1911 viết: “Lúc cười nói thì dễ sặc si rô với nước ga thật.” 

 

Là một người theo phong cách Lebensreformer triệt để Kafka cũng chẳng thể giam mình trong một căn hầm tối tăm và thiếu khí. Trong nhật ký, ông thổ lộ với một sự mùi mẫn ít gặp sau một cuộc tản bộ: “Nàng tiên hạnh phúc tìm thấy bạn giữa những lối đi trong vườn.” Trong một ghi chép vào tháng 8 năm 1911, ông cho biết rằng mình không hối hận khi dành một mùa hè bơi lội thay vì viết lách: “quãng thời gian đã qua mà tôi chẳng dành để viết một từ nào cũng rất có giá trị, nhờ có trường bơi lội tại Prague, Königssaal và Czernoschitz. Tôi không còn hổ thẹn về hình thể của bản thân.” 

 

Mặc dù không thể hoàn toàn bỏ qua mặc cảm về thân hình gầy gò của mình, ông vẫn có những quan sát rất kỹ càng khiến thật khó để quyết định ông thấy chán ghét hay thích thú cái hình thể ấy. Chính trong những trang nhật ký ta thấy rõ nhất một sự ám ảnh biến thành cơn say mê bệnh hoạn. Ông tự hỏi sao mình có thể “cam chịu” một tương lai “với cái thân xác như lôi từ trong đống rác ra” – nhưng cũng tỏ ra trầm trồ với đôi tai của mình, “nó cứng cáp, mát lạnh, căng tràn khi chạm vào tựa như một chiếc lá.” Ngay cả cơn đau cũng có thể trở thành một thú vui: “Lại là cơn hoan lạc khi tưởng tượng một con dao chọc ngoáy vào tim mình.” Suy nghĩ của ông thường dày đặc sự bất thình lình của những cú đâm chém. 

 

Những tác phẩm viễn tưởng của Kafka tràn ngập các con vật gợi nhắc tới người và những con người rơi vào cơn thú vật. Trong cuốn Hóa Thân, nhân vật Gregor Samsa bất hạnh coi đám đồ đạc cũ là một sự gợi nhắc tới nhân tính xa vời của mình, ngay cả giữa đỉnh điểm màn biến hóa thành một thứ bọ khổng lồ chẳng thể ngồi vừa một cái ghế; trong Vụ Điều tra của một Con Chó (Investigations of a Dog), người dẫn truyện cương quyết tách mình khỏi đồng loại man rợ bằng cách nhịn ăn. Kafka của những cuốn nhật ký cũng tương đồng với những nhân vật này, nhảy qua nhảy lại giữa kìm nén và khuất phục trước cơn đói khát cuồng nộ của mình. Đôi khi ông là một con người khao khát trở thành thú vật, đôi khi lại là một con vật gồng mình để làm người. “Có một nỗi mong mỏi luôn tồn tại trong tôi, ngay khi tôi cảm thấy bụng dạ mình đang mạnh khỏe, là lao vào ngấu nghiến những mộng tưởng đầy rủi ro về đồ ăn,” ông viết một cách thèm khát:

 

Tôi nuốt trọn cả một miếng lườn mà không cần nhai rồi lại lôi nó ra từ phía sau, xé toạc qua bụng và dạ dày mình. Tôi ăn hết những cửa hàng thực phẩm bẩn thỉu. No nê với cá trích, dưa chuột muối và tất cả những đồ hôi hám tanh ngòm. Rót kẹo vào mồm tựa như mưa đá.

 

Ông cũng cuồng nhiệt như vậy với văn học: “Trong tôi là một sự tham lam không thể chối cãi dành cho sách… Cứ như thể lòng tham ấy đến từ dạ dày tôi vậy.” 

 

Đọc cũng là một hoạt động của thể xác, có lẽ là bởi Kafka thường xuyên đọc thành tiếng những tác phẩm của mình, hoặc nghe bạn bè của mình đọc lại: sau những lần như vậy, ông nghĩ: “câu này cọ sát với câu kia tựa như lưỡi chạm vào một khoảng không hay chiếc răng giả.” Sau đó, ông đọc các áng văn của Goethe “như thể toàn thân tôi đang lướt qua từng âm tiết”. Ngay cả những thứ trừu tượng cũng khoác cho mình một hiện hữu sống động. Khả năng này của Kafka chí mạng như một vết đâm: Ông cảm nhận “năng lực” của mình, “như thể tôi đang cầm nắm nó trong lòng bàn tay, nó làm lồng ngực tôi căng tràn, thiêu đốt trí óc tôi.” Khi phải phí phạm tài năng của mình vào báo cáo và ghi chú nơi làm việc, ông nhìn nhận kết quả “với một cảm giác ghê tởm và hổ thẹn như thể chúng là thịt sống, cắt xẻ từ chính thân xác của mình.” 

 

Có thể thấy rõ rằng, viết lách không phải là một hoạt động rèn luyện tri thức với Kafka; nó là cơn rùng mình của thể xác. Đôi khi còn là một lần sinh đẻ: Tác phẩm Sự phán xét được sinh ra “như một cái thai dính đầy dịch nhầy”. Đôi khi nó là một vết thương hở: “Tôi sẽ nhảy thẳng vào cuốn tiểu thuyết ngắn của mình kể cả khi nó có cào rách mặt tôi ra.” Trong một trong những đoạn trích phổ biến nhất từ thư của ông, ông so sánh những tác phẩm vĩ đại với một thứ vũ khí có khả năng xé toạc người đọc, khẳng định rằng “một cuốn sách phải như một cây rìu cho đại dương băng giá bên trong mỗi chúng ta.” Đây là những phép ẩn dụ kết hợp tài tình, luôn vạch lấy lối đi của mình một cách mãnh liệt từ hình ảnh này sang hình ảnh khác. “Tôi chẳng là gì nếu không có văn học, không thể và cũng không muốn trở thành gì khác” vừa có thể mang nghĩa rằng cuộc sống lệ thuộc vào văn học, nhưng cũng có thể hiểu rằng văn học cũng cần được ưu ái, được thổi vào một hơi thở và dòng máu. 

 

Tiểu sử tiếp cận nghệ thuật của Kafka trên phương diện nội dung. Lâu Đài Vụ Án chứa đầy những tài liệu và thủ tục hành chính rườm rà mà ông phải giải quyết hàng ngày tại Sở Bảo hiểm Tai Nạn Lao động, và những lần đi thanh tra môi trường làm việc của phó thư ký Kafka hẳn đã là nguồn cảm hứng cho khung cảnh khách sạn sống động trong tiểu thuyết đầu tay của ông, Kẻ biến mất (The Man who Disappeared).

 

Nhưng cuộc sống cũng bùng nổ thành văn học ở phương diện hình thức, và trong các cuốn nhật ký của Kafka từ ngữ cũng mang tính nhịp điệu. Theo ghi chú của Ross Benjamin trong phần giới thiệu vô cùng cẩn thận của bản dịch mới nhất, mục đích của ông là nắm được cách những cuốn nhật ký là một “xưởng thí nghiệm cho những sáng tác của Kafka” và từ đó bắt tận tay tác giả “ngay tại trận viết lách”. Ông đã thành công làm được điều này. Mọi chi tiết trong cuốn nhật ký đều giành giật mạnh mẽ. Từ bản nháp này tới bản nháp khác, từ ngữ bóp méo biến đổi thành hình thành dạng. Câu từ được mổ xẻ rồi nhét trở lại với nhau. 


Một trong những mẩu truyện gây ám ảnh nhất trong chuỗi những tác phẩm của Kafka, Trong Trại khổ giam (In the Penal Colony), hình dung ra một thiết bị để khắc những điều luật vi phạm lên da của phạm nhân. Đó là một hình ảnh man rợ nhưng cũng an ủi một cách kỳ lạ, một giấc mơ về sự toàn vẹn khi không tồn tại một khoảng cách nào giữa miêu tả và chủ thể của nó. Nạn nhân chịu đựng hàng giờ đồng hồ, nhưng “một dáng vẻ của sự biến đổi” hiện ra trên khuôn mặt mỗi tù nhân. Cuối cùng, thân xác câm lặng được biến hóa thành ngôn ngữ. Những cuốn nhật ký cũng không khác biệt so với những liên tưởng ám muội của Kafka. Mục đích của chúng không phải để mổ xẻ cuộc sống, mà để ban cho văn học một sự tồn tại: chúng là những vết cắt thân mật của một tác giả chỉ có thể viết bằng từ ngữ hằn in lên da thịt mình.


Posted

in

,

by