Tiểu thuyết gia và nhà văn viết truyện ngắn người Bohemia nói tiếng Đức, được giới phê bình đánh giá là một trong những tác giả có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX.
- Người dịch: quixotic doomer
- 02/06/2024
- 10:00′
- Bản gốc: bản dịch tiếng Anh của Philip Boehm, Schoken Books, New York, 1990 Random Houses, Inc.
[Meran, Mùng 2 Tháng Sáu, 1920]
Thứ Tư
Hai lá thư em đến cùng nhau, vào buổi trưa; chúng không để đọc, mà để trải ra, để áp mặt mình lên khi mất trí. Nhưng bây giờ hóa ra mất trí một phần lại hay, vì phần còn lại sẽ trụ vững càng lâu càng tốt. Và đấy là lý do 38 năm Do Thái của anh có điều này để nói thẳng với 24 năm Cơ Đốc của em:
Thế này nhé? Luật lệ thế gian ở đâu, lực lượng hành pháp thiên đàng ở đâu? Mày 38 tuổi rồi và có lẽ mày mệt mỏi hơn chừng ấy tuổi có thể khiến mày mệt mỏi. Hay nói đúng hơn: Mày chẳng mệt chút nào, chỉ bồn chồn, chỉ sợ hãi không dám bước thêm một bước trên Trái đất đầy rẫy cạm bẫy này, và đấy là lý do mày cứ luôn giữ hai chân trên không cùng lúc, mày không mệt, mày chỉ sợ hãi cơn mệt lả kinh khủng sẽ đến theo cơn bồn chồn kinh khủng này và (dù sao thì, mày là thằng Do Thái và mày quá biết sợ hãi và bồn chồn là thế nào) cơn bồn chồn có thể–nhẹ nhàng nhất–được hình dung như việc ngồi trong vườn của trại thương điên phía sau Karlsplats*, nhìn chằm chằm vào khoảng không như một thằng đần.
Được rồi, mày hiện giờ đang như thế. Mày đã tham gia vài cuộc chiến, và trong khi ấy mày đã khiến cho cả bạn và thù không vui (à mà, mày chỉ có bạn, những người tốt bụng và tử tế, làm gì có bóng dáng kẻ thù nào)–chừng ấy đã biến mày thành kẻ tàn phế, một trong những kẻ run rẩy khi thoáng thấy một khẩu súng đồ chơi, và bây giờ, bây giờ mày bỗng cảm thấy như đang được kêu gọi tham gia một cuộc chiến vĩ đại để cứu lấy thế giới. Chẳng phải quá lạ lùng sao?
Và hãy nghĩ đến cả việc có lẽ khoảng thời gian tốt đẹp nhất đời mày, mà mày còn chưa thật sự kể với ai, là tám tháng ở một ngôi làng khoảng chừng hai năm trước, khi mày cảm thấy đã bằng lòng với mọi sự, đã thoát khỏi mọi thứ ngoại trừ cái chắc chắn bị giam cầm ở trong mày, thoát khỏi thư từ, chuỗi thư từ năm năm ở Berlin, có căn bệnh làm vỏ bọc, không bị đòi hỏi thay đổi gì nhiều, chỉ mỗi việc phác lại những đường nét chật hẹp cũ kĩ của bản thể mày rõ rệt hơn chút (dù sao, phía dưới râu tóc điểm bạc khuôn mặt mày chẳng thay đổi mấy so với khi mày sáu tuổi).
Đen đủi thay, trong vòng một năm rưỡi qua mày phát hiện rằng đấy không phải tất cả, mày khó có thể nào lún sâu hơn nữa (anh đang không nói đến mùa thu năm ngoái khi anh loay hoay tìm đường kết hôn theo đúng lệ), mày khó có thể nào kéo một linh hồn khác lún sâu hơn chút nào cùng với mày, một cô gái tốt bụng, tử tế, khiêm nhường trong sự vị tha, đến độ mà không còn đường nào thoát, kể cả xuống sâu hơn.
Đến giờ vẫn ổn, và bây giờ Milena gọi mày bằng một giọng nói đâm thấu vào tim cũng mạnh như vào lý trí. Dĩ nhiên, Milena không biết mày, nàng bị che mắt bởi vài câu chuyện và vài lá thư; nàng như biển cả, mạnh mẽ như biển cả với những khối nước vĩ đại, đổ ập xuống với toàn bộ sức mạnh của chúng, nhưng dù sao vẫn bởi một sai lầm nào đó, tuân theo ý thích bất chợt của một mặt trăng đã chết và trên hết cũng thật xa vời. Nàng không biết mày và có lẽ việc nàng muốn mày đến là một điềm báo của sự thật. Mày có thể chắc chắn rằng sự hiện diện thật sự của mày sẽ không còn che được mắt nàng. Phải chăng mày không muốn đi là vì thế, linh hồn mềm yếu kia, vì đấy chính là điều mày lo sợ?
Nhưng cứ cho là: mày quả có 100 lý do bên trong khác để không đi (mày thật sự có lý do) và bên cạnh đó một lý do bên ngoài, cụ thể là mày sẽ không thể nói chuyện với chồng Milena hay thậm chí chẳng dám nhìn anh ta, và nếu chồng nàng không ở đó thì mày cũng sẽ bất lực y như thế với Milena, chẳng thể nói chuyện hay nhìn nàng–cứ cho là vậy, vẫn còn hai lập luận để không đi:
Đầu tiên, khi mày nói mày sẽ đến, thậm chí Milena có thể không muốn mày đến nữa, hoàn toàn không phải vì thiếu kiên định, mà chỉ đơn thuần vì quá mệt mỏi, chuyện ấy cũng hiểu được; nàng sẽ vui và nhẹ nhõm để mày cứ đi đâu mày muốn.
Thứ hai, cứ thử đến Viên xem! Milena chỉ đang nghĩ đến khoảnh khắc cửa mở ra. Ừ thì cửa sẽ mở ra, nhưng rồi sao? Một kẻ khẳng khiu hốc hác sẽ đứng đó, nở nụ cười nhã nhặn (mà hắn sẽ không khép lại được, hắn đã thừa hưởng nụ cười này từ một bà cô già ngày xưa cũng cười không thể khép miệng, mà với cả hắn và bà cô nụ cười ấy bởi bối rối hơn là có chủ đích), và sau đó hắn sẽ ngồi xuống khi được bảo. Những lễ nghi kết thúc ở đó, bởi hắn sẽ hầu như câm lặng, hắn không có sức để nói (bạn cùng bàn mới quen của anh ở đây hôm qua thấy suất ăn chay của kẻ câm lặng bèn nói: “Tôi cho rằng thịt tuyệt đối cần thiết cho lao động trí óc”), hắn sẽ thậm chí chẳng vui vẻ gì, bởi cũng chẳng có sức để vui.
Em thấy đấy, Milena, anh đang nói thẳng thắn. Nhưng em thông minh, nãy giờ em đã nhận thấy quả nhiên anh đang nói thật (toàn bộ sự thật, vô điều kiện và chính xác từng chút một), nhưng anh nói thật đến mức trần trụi. Dù sao, anh cũng có thể xuất hiện mà không loan báo thế này và làm tan ngay ảo mộng của em mà không chần chừ gì nữa. Nhưng việc anh không làm thế chỉ chứng minh thêm cho sự thật lòng của anh, sự yếu đuối của anh.
Anh sẽ ở đây thêm 14 ngày, chủ yếu bởi vì anh xấu hổ và sợ phải quay lại mà chỉ có vỏn vẹn chút kết quả này làm chứng cho cuộc điều trị. Ở nhà và đi làm–đặc biệt khó chịu khi đi làm–họ kỳ vọng chuỗi ngày nghỉ phép của anh đem lại điều gì đó gần như sự hồi phục hoàn toàn. Họ tra khảo như tra tấn: Lần này lên được bao cân rồi? Và anh đang sụt cân. Đừng có ngại tiêu tiền! (Nhằm vào hà tiện của anh.) Và anh có trả tiền lưu trú, nhưng không dám bỏ tiền ăn uống. Mấy câu đùa kiểu vậy.
Còn quá nhiều điều để nói, nhưng thư sẽ không bao giờ được gửi mất. Còn một điều anh đã muốn nói: nếu gần hết 14 ngày em vẫn muốn anh đến, vẫn chắc chắn như em muốn vào hôm Thứ sáu, thì anh sẽ đến–
F.
(*) một quảng trường ở Viên – ND