The Cricket Project

I came I saw I read.

VỀ THÚ VẼ

Hermann Hesse

Hermann Hesse

Nhà thơ, nhà văn, họa sĩ người Đức – Thụy Sỹ

“Đứng trước tất cả sự mông lung này, mà sau rốt đều trở nên không thể chịu nổi, tôi tìm cho mình lối thoát riêng bằng một thứ mà mình chưa từng thử – tôi bắt đầu vẽ. Liệu nó có đem lại bất cứ giá trị gì hay không là điều chẳng đáng màng tới, với tôi, đó là cách để đắm chìm vào sự an ủi của nghệ thuật, thứ mà giờ viết lách chẳng thể đem lại cho tôi được nữa. Đó là một cống hiến không ham muốn, một tình yêu không mong cầu.”

Thư gửi Felix Braun, năm 1917.

“Những bức tranh màu nước nho nhỏ của tôi tựa như những bài thơ hay các giấc mộng, gợi đến những ý niệm xa vời về một thực tại, chúng thay đổi theo cảm xúc cá nhân và nhu cầu (…); tôi sẽ chẳng bao giờ quên được rằng mình chỉ là một kẻ nghiệp dư.”

Thư gửi Helene Welti, năm 1919

“Tôi thường vẽ những bức phong cảnh đơn giản và dường như không thể phát triển hơn được nữa. Vạn vật đều xinh đẹp làm sao, bầu trời và những con vật, màn diễu sắc của cuộc sống, đặc biệt là con người, tôi đều được chứng kiến, thường xuyên cảm thấy rung động và thán phục, nhưng lại chẳng thể vẽ lại.”

Thư gửi Cuno Amiet, năm 1922

Phong cảnh núi tại Ticino – Hermann Hesse (1924)

“Với tôi, sáng tạo từ cây bút cái cọ, là thứ rượu phủ lên cuộc sống một cơn mê màng khiến mọi thứ trở nên ấm áp và dễ chịu, gần như có thể chịu đựng được.”

Thư gửi Franz Karl Ginzkey, 1920

Casa Bodmer, Montagnola – Hermann Hesse (1932)
Tranh màu nước vẽ bởi Hermann Hesse (1918)

“Những năm đầu tập vẽ, tôi tách rời được mình với văn học, mà nếu không nhờ vẽ thì sẽ chẳng bao giờ tôi làm được. Liệu những thứ tôi vẽ có mang lại bất cứ giá trị gì hay không chẳng đáng bận tâm. Trong nghệ thuật, trái ngược với công nghiệp, thời gian không đóng bất cứ một vai trò gì. Không có cái gọi là lãng phí thời gian, cho tới khi đã đạt được những tiềm năng về sự mãnh liệt và hoàn mỹ. Nếu không có hội họa, tôi đã không thể tiến được xa với vai trò một nhà văn.”

Thư gửi Georg Reinhart, 1924

Hoa Mộc Lan – Hermann Hesse (1928)

“Từ trải nghiệm cá nhân, tôi thấy chỉ có một hoạt động có cùng mức độ căng thẳng và tập trung với viết lách, đó là việc vẽ. Chúng giống nhau ở điểm này: pha màu này với màu bên cạnh một cách hẳn hoi và cẩn thận thì dễ dàng và thoải mái, người ta có thể học và luyện tập khả năng đó lúc nào cũng được. Nhưng hơn thế nữa, để hình dung được những góc vô hình, chưa được đặt bút mà sẽ làm nên tổng thể một bức tranh, để cân nhắc nó, để cảm nhận sự giao thoa tinh tế của những rung cảm, đó mới là thử thách hiếm khi vượt qua được.” 

Từ Kurgast, 1925.

“Mỗi một người nghệ sĩ chúng ta, ngay cả khi có thật nhiều hoài nghi về bản thân và cảm thấy khả năng của mình thật hữu hạn, cũng có cho mình một sứ mệnh và nhiệm vụ, và khi trung thành với chính bản thân mình, ta có thể cho ra đời những sáng tạo chỉ của riêng ta, dù cho đang ở bất cứ nơi nào.


Khi ta và con cùng vẽ ở Tessin, vẽ cùng một chủ thể, chỉ một phần nhỏ của nó là cảnh thôn quê trải dài, mà nhiều phần là tình cảm ta dành cho vạn vật thiên nhiên, cùng vẽ một thứ, nhưng mỗi người mỗi khác (…) Có nhiều họa sĩ từng bị cho là những kẻ thô thiển, man rợ, nhưng rồi lại được công nhận là những chiến binh danh dự, với những tác phẩm đem lại niềm an ủi cho thế hệ đi sau, mà được ái mộ thậm chí còn mãnh liệt hơn những tài năng kinh điển!”

Thư gửi con trai, Bruno Hesse, năm 1928

Tranh màu nước vẽ vùng Ticino – Hermann Hesse (1931)

“Trong văn của tôi, người ta thường tìm kiếm sự tôn trọng dành cho hiện thực, và khi tôi vẽ, cây cối có gương mặt, và những căn nhà có thể cười hay nhảy hay khóc, nhưng liệu đó là cây lê hay hạt dẻ thì hầu như không thể nhận biết được. Tôi buộc phải chấp nhận lời phê bình này. Phải thừa nhận rằng, cuộc sống hiện ra với tôi như một bí ẩn. Tôi thường nhìn và cảm nhận thấy thế giới bên ngoài kết nối và hòa hợp với nội tâm theo một cách mà chỉ có thể nói là thần kì.”

Từ Kurzgefasster Lebenslauf, năm 1925

“Tôi không phải là người sở hữu nặng tình, với vật chất có thể dễ dàng từ bỏ hay đem cho.  Nhưng giờ trong tôi tràn ngập một thôi thúc phải nắm bắt những thứ mà đôi khi khiến cả người như tôi phải mỉm cười. Trong vườn trên hàng hiên, bên dưới kim chỉ gió, hàng giờ liền mỗi ngày tôi ngồi lì, trở nên thật cần mẫn, với bút và chì, cọ và sơn, tôi tìm cách để trì hoãn sự nở rộ và căng tràn đang dần tàn phai. 


Thật tỉ mẩn tôi phác lại bóng đổ của buổi sớm mai trên bậc thềm, những cành Tử Đằng vươn mình quấn quýt, tìm cách tái dựng lại cái sắc xa xăm, trong veo của những ngọn núi chiều tà, chúng mong manh như lớp tơ mỏng nhưng cũng thật rực rỡ ngọc ngà. Tôi trở về nhà với trạng thái kiệt sức, và khi trải rộng những trang vẽ vào cuối ngày, tôi bất giác thấy buồn khi nhận ra mình giữ lại được thật ít ỏi tất cả những thứ ấy.”

Từ Zwischen Sommer und Herbst, 1930

Cảnh vật miền nam – Hermann Hesse (1926)
Tác phẩm vẽ bằng màu nước của Hermann Hesse (1926)

“Để đáp lại lời thăm hỏi của trò, tôi gửi kèm một bức tranh được hoàn thiện gần đây, vẽ vời là cách để tôi thư giãn. Bức tranh nhằm lột tả sự trong trẻo của thiên nhiên, cái rực rỡ của sắc màu, và ở bất cứ thời điểm nào, ngay cả trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của cuộc đời, chúng cũng có thể khuấy lên niềm tin và sự tự do bên trong chúng ta.”

Thư gửi một nữ sinh viên tại Duisburg, năm 1930.

Sáng tháng Hai ở hồ Lugano – Hermann Hesse (1920)

Posted

in

,

by