Albert Camus
Albert Camus (1913-1960) là một triết gia người Pháp, nhà văn và nhà báo. Các tác phẩm của ông bao gồm Kẻ ngoại cuộc, Dịch hạch, Sa đọa, và tiểu luận triết học Thần thoại Sisyphus cùng Kẻ nổi loạn.
- hoatrenthanxacheomon
- 23/01/2024
- 00:15′
Tháng ba năm 1946. Albert Camus đã dành hai tuần trên biển trên tàu hàng SS Oregon, vận chuyển hành khách từ Le Havre đến thành phố New York. Ông đã gặp gỡ và kết bạn trên chuyến hải trình này.
Chủ nhật. Họ thông báo rằng tàu sẽ cập bến vào buổi tối. Một tuần trôi qua nhanh chóng mặt. Tối hôm thứ ba, ngày hăm mốt, bàn chúng tôi quyết định ăn mừng chào xuân. Nhậu nhẹt tới bốn giờ sáng. Ngày hôm sau cũng vậy. 48 giờ đồng hồ của khoái lạc, nhờ đó mà tình cảm chúng tôi thêm sâu sắc. Quý bà M đang nổi loạn chống lại chính tầng lớp của mình. L thú nhận rằng cuộc hôn nhân sắp tới hoàn toàn chỉ vì thuận tiện. Thứ bảy, chúng tôi rời khỏi vùng hải lưu Bắc Đại Tây dương, và nhiệt độ giảm rõ rệt. Kể cả vậy, thời gian vẫn trôi qua thật nhanh, cuối cùng, tôi lại chẳng mấy vội vàng đến nơi. Tôi đã chuẩn bị xong bài phát biểu của mình. Thời gian còn lại, tôi ngắm biển và chuyện phiếm, hầu như là với R, thực ra là khá thông minh – và với quý bà D và L, tất nhiên rồi. 12 giờ trưa, chúng tôi thấy đất liền. Đám mòng biển đã lượn lờ cạnh tàu từ sáng, cứ lơ lửng trên boong như thể bị cấm cản, chững lại. Đảo Coney, nhìn giống Porte d’Orleans, là thứ đầu tiên chúng tôi nhìn thấy. “Là Saint-Denis hoặc Gennevilliers,” L. bảo. Đúng thật. Trong cái giá rét, bầu trời phẳng và xám xịt, mọi thứ thật ảm đạm. Chúng tôi sẽ đậu ở cửa sông Hudson nhưng đến sáng mai mới rời tàu. Xa xa, những tòa cao ốc chọc trời của Manhattan dựa lưng vào bức nền mù sương. Trái tim tôi bất động và lạnh lẽo, vẫn như vậy khi đứng trước những khung cảnh chẳng làm tôi động lòng.
Thứ hai. Hôm qua đi ngủ sớm. Sáng dậy cũng sớm. Chúng tôi di chuyển qua cảng New York. Một khung cảnh gây ấn tượng, mặc cho, hoặc là bởi, lớp sương mù dày đặc. Trật tự, quyền lực, sức mạnh kinh tế, tất cả đều ở đây. Trái tim quẫy đạp trước tất cả sự vô nhân tính này.
Phải đến 11 giờ tôi mới rời tàu, sau một chàng những thủ tục rườm rà mà, trong tất cả các hành khách, tôi lại bị đối xử như một kẻ tình nghi. Viên cảnh sát nhập cư cuối cùng xin lỗi vì đã giữ tôi lại. “Tôi buộc phải làm vậy, nhưng không thể nói với ông tại sao.” Một bí ẩn – nhưng sau năm năm trong nghề thì …
Chào mừng tôi là C., E., và một đại diện của đại sứ quán. C. chẳng thay đổi gì cả. E. cũng vậy. Nhờ màn phiền hà với bên nhập cư, tôi chỉ kịp tạm biệt L., quý bà D., và R. một cách qua loa lạnh nhạt.
Mệt mỏi. Cơn cảm cúm lại quay lại. Tôi ra mắt New York trên đôi chân run rẩy. Ấn tượng đầu tiên, một thành phố xấu xí, vô nhân tính. Nhưng tôi biết con người ta có thể thay đổi ý kiến. Tôi để ý mấy thứ như này: những công nhân dọn rác đeo găng tay, giao thông trật tự mà không cần người điều phối ở các ngã tư, vân vân, ở cái đất nước này chả ai có tiền lẻ, và ai nhìn cũng như thể vừa mới bước ra từ phim trường một bộ phim kinh phí thấp vậy. Buổi tối, mệt mỏi và bén cơn sốt ngồi trên xe taxi đi qua đại lộ Broadway, tôi bị choáng váng bởi một biển những ánh đèn sáng choang. Tôi từ 5 năm tăm tối mà tới, cái sự soi tỏ mạnh mẽ và bạo lực này là minh chứng rõ ràng nhất của việc ở trên một lục địa mới (một tấm biển khổng lồ dài 15 mét quảng cáo thuốc lá Camels: gã lính Mỹ, mồm há to, phả ra những tràng khói thật. Màu vàng và đỏ). Tối đó tôi ngả lưng với trái tim kiệt quệ cũng như thân xác mình, nhưng biết rõ rằng chỉ hai ngày nữa thôi tôi sẽ thay đổi suy nghĩ.
Thứ ba. Tỉnh dậy với một cơn sốt. Không thể rời phòng cho đến tận trưa. Khi E. tới thì tôi đã thấy ổn hơn, tôi đi cùng gã và D., một tay trong ngành quảng cáo xuất thân từ Hungary, đi ăn trưa ở một nhà hàng Pháp. Tôi nhận ra rằng mình chẳng hề để tâm tới mấy tòa nhà chọc trời, tôi cứ cho chúng là hiển nhiên. Bởi còn phải xét tới quy mô chung. Mà, tôi cũng chẳng thể đi loanh quanh đầu lúc nào cũng ngẩng lên được. Người ta chỉ cho được vào tầm mắt có chừng ấy tầng lầu thôi. Những quầy thức ăn tuyệt diệu. Đủ để làm cho cả Châu Âu vỡ òa. Tôi chiêm ngưỡng những người phụ nữ trên phố, sắc từ váy áo của họ, cùng với màu của những chiếc taxi tựa như đám côn trùng ăn diện lễ phục Chủ nhật, màu đỏ, vàng và xanh lá. Còn mấy tiệm cà vạt, phải thấy tận mắt thì mới tin được. Chẳng thể tưởng tượng nổi gu lại tệ đến thế. D. khẳng định với tôi rằng người Mỹ chẳng thích thú gì với mấy cái ý tưởng đâu. Họ nói vậy. Tôi không tin tưởng cái “họ” này lắm.
Lúc ba giờ, tôi đi gặp Régine Junier. Một phụ nữ độc thân đáng ngưỡng mộ, gửi tôi mọi thứ mà cô mua được bởi cha cô mất vì bệnh lao lúc mới hai mươi bảy tuổi, nên là… Cô sống trong hai căn phòng, giữa một đống mũ tự làm đặc biệt xấu xí. Nhưng chẳng gì làm lu mờ được sự khoan dung và ân cần của trái tim thể hiện trong mọi điều cô thốt ra. Tôi từ biệt cô, bị cơn sốt nuốt chửng, chẳng thể làm được gì ngoài quay lại giường nằm. Đành lỡ mấy cuộc hẹn. Mùi của New York – thứ hương của sắt và xi măng, sắt thép áp đảo.
Buổi tối, ăn ở nhà hàng Rubens [nguyên văn] với L. M. Gã kể cho tôi nghe câu chuyện “bi kịch kiểu Mỹ” của thư ký mình. Đã kết hôn và có hai con, cô và mẹ của cô phát hiện người chồng hóa ra đồng tính. Ly thân. Người mẹ, một tín đồ Tin Lành cực đoan, hàng tháng trời bơm vào đầu con gái cái ý tưởng rằng hai đứa con của cô rồi sẽ trở thành những kẻ suy đồi vứt đi. Kẻ dại dột ấy đã ép ngạt thở một đứa và bóp cổ đứa còn lại. Tòa án phán vô tội với lý do tâm thần bất ổn, cô được thả tự do. L.M. kể cho tôi giả thuyết của gã về người Mỹ. Tôi phải nghe đến mười lăm cái rồi.
Ở góc phố East First, một quán rượu nhỏ có chiếc máy hát gào thét nhấn chìm mọi hội thoại. Muốn có năm phút yên ắng, ta phải nhét vào một đồng 5 cent.
Thứ tư. Sáng nay thấy đỡ hơn rồi. Liebling, từ tờ The New Yorker, tới thăm. Một gã duyên dáng. Sau gặp Chiaramonte rồi tới Rubé. Cùng hai người này ăn trưa ở một nhà hàng Pháp. Cách Ch. nói về nước Mỹ khác biệt hoàn toàn với mọi người, tôi thấy vậy. Tôi chỉ cho gã một cái nhà tang lễ. Gã giải thích cho tôi cách nó hoạt động. Muốn hiểu về một đất nước thì xem ở đấy người ta chết thế nào, đấy là một cách. Ở đây, mọi thứ đều được lên kế hoạch rõ ràng. “Bạn cứ việc chết, phần còn lại chúng tôi lo.” Tờ rơi quảng cáo nói vậy. Nghĩa trang là tài sản tư. “Nhanh mà dành lấy chỗ của mình đi.” Mọi thứ đều là mua và bán, khâu vận chuyển, chỗ an nghỉ, vân vân. Một kẻ đã chết là kẻ đã sống một cuộc đời trọn vẹn. Ghé chỗ của Gilson, đài phát thanh. Rồi về chỗ tôi với Vercors, Thimerais, và O’Brien. Chúng tôi bàn về buổi diễn thuyết ngày mai. Lúc 6 giờ, đi uống với Gral ở Saint Regis. Tôi đi bộ về khách sạn dọc đại lộ Broadway, lạc trong đám đông và những biển hiệu thắp sáng khổng lồ. Phải, có một cái gọi là bi kịch kiểu Mỹ. Nó chính là thứ đè nén tôi kể từ lúc đặt chân đến đây, nhưng tôi vẫn chưa biết nó là gì.
Trên phố Bowery, nơi những cửa hiệu váy cưới nằm dài tới hơn 500 mét. Từ chiều nay tôi ăn một mình trong nhà hàng. Rồi tôi về viết lách.
Về anh chàng da đen. Chúng tôi gửi một người từ Martinique tới làm nhiệm vụ ở đây. Chúng tôi sắp xếp cho anh ta ở tại Harlem. Với những đồng nghiệp người Pháp, đây là lần đầu tiên anh ta nhận thấy rằng, mình không cùng chủng tộc với họ. Một quan sát trái ngược như sau: một người Mỹ thường nhật ngồi trước tôi trên xe bus đứng dậy để nhường chỗ cho một người phụ nữ lớn tuổi da đen.
Có cảm giác về dòng chảy tràn trề của tiền tài. Lạm phát sắp xảy ra, một người Mỹ bảo tôi.
Thứ năm. Dành cả ngày kiểm tra chính tả bài phát biểu của mình. Có chút hồi hộp tối hôm ấy, nhưng tôi cứ thế mà xông pha, và khán giả bị cuốn chặt vào ghế ngồi. Nhưng rồi, trong lúc tôi đang nói, có kẻ cuỗm mất hộp tiền nhẽ ra để dành quyên góp cho trẻ em nước Pháp. Cuối buổi diễn thuyết, O’Brien thông báo chuyện xảy ra, và ai đó trong số khán giả đứng lên đề nghị mọi người trong lúc đi ra quyên góp cùng một khoản với lúc họ lúc bước vào. Trên đường ra, mọi người cho nhiều hơn hẳn và khoản thu trở nên khá đáng kể. Lòng rộng lượng kiểu Mỹ điển hình. Sự hiếu khách và niềm nở của họ cũng vậy, dễ dàng mà chẳng chứa chút tình cảm nào. Đây là điểm tốt nhất của họ.
Họ ưu ái động vật. Một cửa hàng thú cưng cao tới mấy tầng lầu: chim bạch yến ở tầng hai, tinh tinh ở tầng chóp. Vài năm trước, một gã bị tóm trên đại lộ số năm vì chở một con hươu cao cổ đi loanh quanh trong cốp xe của mình. Gã giải thích rằng con hươu của gã không được hít thở đủ khí trời ở ngoại ô nơi gã giữ nó, và gã nghĩ rằng đây là một cách hiệu quả để giúp nó hưởng không khí trong lành. Ở Công viên Trung tâm, một bà cô mang một con linh dương đến gặm cỏ. Đứng trước tòa, bà giải thích rằng con linh dương ấy là một con người. “Nhưng nó có nói được đâu,” quan tòa bảo. “Ồ phải, nó nói bằng ngôn ngữ của tình thương”. Bị phạt năm đô. Còn có một cái đường hầm dài năm cây dưới sông Hudson và một cây cầu ấn tượng chạy tới New Jersey.
Sau buổi diễn thuyết, đi uống với Schiffrin và Dolorès Vanetti – cô nói thứ tiếng lóng không lai tạp, tinh tế nhất mà tôi từng nghe – và vài người khác nữa. Quý bà Schiffrin hỏi có phải tôi từng làm diễn viên.
Thứ sáu. Tới nhà xuất bản Knopf. Mười một giờ. Tinh hoa trong giới. Có buổi phát sóng. Gilson là một gã tử tế. Chúng tôi sẽ cùng ghé khu Bowery. Tôi ăn trưa với Rubé và J. de Lannux [nguyên văn], gã này trở chúng tôi lượn quanh New York sau bữa ăn. Bầu trời xanh biếc nhắc tôi nhớ rằng mình đang ở cùng độ cao với Lisbon, thật khó để tưởng tượng. Hòa nhịp với dòng xe cộ, những tòa cao ốc dát vàng rực rỡ xoay mòng với màu xanh trên đầu chúng tôi. Một khoảnh khắc hân hoan.
Chúng tôi lên pháo đài cũ ở công viên Tryon Park phía trên khu Harlem, nhìn xuống Bronx ở một bên và sông Hudson ở bên còn lại. Hoa mộc lan nở rộ khắp nơi. Tôi thử một loại kem mới và đâm ra thích mê. Lại một khoảnh khắc hân hoan khác.
Lúc bốn giờ Bromley đợi tôi ở khách sạn. Chúng tôi khởi hành tới New Jersey. Khung cảnh bạt ngàn những nhà máy, cây cầu, và đường ray. Rồi, bỗng nhiên, Đông Orange hiện ra, một cảnh tượng thôn quê hoàn hảo như trên những tấm bưu thiếp, với hàng ngàn những căn nhà tranh, gọn gàng và tươm tất, được đặt như mấy món đồ chơi giữa các cây dương cao và hoa mộc lan. Họ đưa tôi tới thăm một thư viện công cộng nhỏ, sáng sủa và tươi tắn, được tận dụng bởi toàn bộ khu dân cư, với một phòng đọc trẻ em khổng lồ. (Cuối cùng cũng có một đất nước quan tâm chăm sóc trẻ em). Tôi tra cứu mục triết học trong hệ thống danh mục thẻ. Chỉ có mỗi của W. James.
Ở chỗ của Bromley, được trải nghiệm thiết đãi kiểu Mỹ (mặc dù cha gã tới từ Đức). Chúng tôi nghiên cứu bản dịch cho vở Caligula, Bromley hoàn thành rồi. Gã giải thích rằng tôi không biết phải làm gì với danh tiếng của mình, rằng tôi “có chỗ đứng” và nên tận dụng điều đó, và thành công của Caligula tại đây sẽ giải phóng tôi – và cả con cái của tôi – khỏi những lo lắng tầm thường về vật chất. Dựa trên tính toán của gã, tôi sẽ thu về 1.5 triệu đô. Tôi cười, và gã lắc đầu. “Ôi chú chẳng hiểu gì cả” Gã là một người bạn tuyệt vời, và muốn chúng tôi tới Mexico cùng nhau. (Ghi chú: Gã là một người Mỹ không rượu chè!)
Thứ bảy: Gặp Régine. Tôi mang cho cô mấy món quà tôi mua, cô hạnh phúc rơi nước mắt.
Đi uống ở chỗ Dolorès, rồi Régine đưa tôi đi xem mấy cửa hàng bách hóa Mỹ. Tôi nghĩ về nước Pháp. Buổi tối đi ăn với L. M. Từ trên tầng thượng của khách sạn Plaza, tôi chiêm ngưỡng hòn đảo, phủ kín bởi những con quái vật đá. Đêm xuống, với hàng triệu những ô cửa được thắp sáng và những tòa cao ốc đen lấp lánh, chiếu rọi nửa bước tới thiên đường, tôi nghĩ tới một đám lửa khổng lồ cháy lụi, để lại bạt ngàn những xác đen xì dọc đường chân trời, đính những viên than nhen nhóm. Một nữ công tước duyên dáng.
Chủ nhật. Một buổi dạo chơi tới đảo Staten với Chiaramonte và Abel. Trên đường về, ở hạ khu Manhattan, mênh mông những bãi khai quật giữa những tòa cao ốc chật ních. Bước qua đó, một khoái cảm vượt thời gian chiếm lấy chúng tôi. Chúng tôi ăn tối ở khu phố người Tàu [nguyên văn]. Lần đầu tiên, tôi được hít thở thoải mái, tìm thấy đời sống thực thụ ở đó, tràn trề và chậm dãi, đúng như tôi thích.
Sáng thứ hai. Đi dạo với Georgette Pope, cô cất công tới tận khách sạn của tôi, có trời mới biết tại sao. Cô đến từ New Caledonia.
“Chồng cô làm nghề gì?”
“Ảo thuật gia”
Từ trên đỉnh tòa Empire State, giữa cơn gió buốt, chúng tôi chiêm ngưỡng New York, những cảng và tầng đá cổ kính của nó.
Ở bữa trưa, vợ cũ của Saint, một người hồ hởi, kể rằng hồi ở San Salvador cha của cô, bên cạnh 17 đứa con hợp pháp, còn có 40 đứa con hoang, mỗi đứa được cho một héc ta đất.
Buổi tối, phỏng vấn ở École Libre des Hautes Études. Thấy mệt, tôi tới Broadway với J.S.
Trượt pa tanh ở phố West Fifty-Second. Sân trượt khổng lồ bọc bởi lớp nhung đỏ và bụi. Trong một cái hộp chữ nhật treo chênh vênh bên dưới trần nhà, một người phụ nữ lớn tuổi chơi một giai điệu sống động trên chiếc đàn phong cầm. Hàng trăm các thủy thủ, các cô gái ăn diện trong những bộ áo liền quần, chuyền từ cánh tay này sang cánh tay khác giữa một vòng lặp vô tận đan xen tiếng những bánh xe sắt và đàn phong cầm. Miêu tả này có thể được đẩy sâu hơn.
Rồi tới Eddy et Léon, một hộp đêm vô hồn. Để bù đắp lại, J. S. và tôi chụp ảnh đóng vai Adam và Eve, giống kiểu ảnh bạn chụp ở hội chợ, với hai hình nhân bằng bìa cứng khoét lỗ ở đầu để thò mặt qua.
Những ghi chép này được lấy từ cuốn Travels in the Americas: Notes and Impressions of a New World của Albert Camus, chỉnh sửa bởi Alice Kaplan và dịch bởi Ryan Bloom, với ghi chú bởi Alice Kaplan và Ryan Bloom, sẽ được xuất bản bởi Đại Học Báo Chí Chicago vào tháng tư. Được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Pháp với tên Journaux de voyage bởi Éditions Gallimard.
Ryan Bloom là một nhà tiểu luận và dịch giả giảng dạy khóa viết và văn học sáng tạo tại Đại học Maryland, bang Baltimore. Ông là dịch giả cho tuyển tập ghi chép của Albert Camus: 1951-1959.
Alice Kaplan là một giáo sư danh giá giảng dạy tiếng Pháp và là Giám đốc của trung tâm Whitney Humanities tại Đại học Yale. Bà là đồng tác giả của States of Plague, cùng Laura Marris, và là tác giả của Frenching Lessons, Looking for “The Stranger”, và Dreaming in French, tất cả được xuất bản bởi Đại học Báo chí Chicago.