The Cricket Project

I came I saw I read.

Phải Chăng Là Mơ?

Guy de Maupassant

Guy de Maupassant

Nhà văn Pháp thế kỉ 19, nổi tiếng với thể loại truyện ngắn. Đồng thời là gương mặt đại diện cho chủ nghĩa tự nhiên trong văn học.

  Tôi yêu nàng một cách điên cuồng! Vì sao mà ta yêu? Vì sao? Thật lạ kì khi trong mắt chỉ có một bóng hình, tâm trí chỉ một suy nghĩ, chỉ một niềm khát khao trong tim, nơi đầu lưỡi chỉ dấu vết một cái tên; cái tên ấy được gọi lên không ngừng nghỉ, nó dâng trào như nước trong dòng suối, từ sâu thẳm của tâm hồn lên tới đầu môi, ta thì thầm nó khôn nguôi, khắp chốn, tựa một lời nguyện cầu.

  Tôi sẽ kể chuyện của mình và nàng, bởi mọi câu chuyện tình yêu đều giống nhau, chúng đều là một. Tôi đã gặp và yêu nàng, chỉ vậy. Suốt một năm trời tôi sống bằng sự dịu dàng, bằng những âu yếm, sống trong vòng tay, những bộ cánh, và trong ngôn từ. Mọi thứ từ nàng bao bọc, giam giữ tôi, tới nỗi tôi chẳng còn biết ngày hay đêm, mình còn sống hay đã chết, đang ở trần thế hay ở nơi nào khác.

  Và rồi nàng qua đời. Vì sao? Tôi không biết. Tôi chẳng biết gì nữa, nhưng một đêm nọ trời mưa to và nàng về nhà ướt sũng, rồi ngày hôm sau nàng khởi sự ho khan, ho tới suốt một tuần, nằm liệt trên giường. Tôi chẳng nhớ được chuyện đã diễn ra thế nào, những vị bác sĩ tới rồi đi. Người ta mang thuốc tới và bắt nàng uống. Đôi tay nàng nóng rực, trán nàng thiêu đốt, đôi mắt nàng sáng và buồn. Tôi trò chuyện với nàng nhưng chẳng còn nhớ mình đã nói những gì. Tôi đã quên mọi điều, mọi thứ, cả thảy! Nàng chết, tôi nhớ rõ hơi thở yếu ớt, run rẩy của nàng. Y tá kêu lên một tiếng, và tôi hiểu, tôi hiểu ngay!

  Tôi chẳng biết gì khác. Tôi gặp một linh mục, hắn hỏi: “Nhân tình của ngài ư?”, chợt tôi cảm thấy hắn xúc phạm nàng. Giờ khi nàng đã chết, không còn ai được biết điều đó nữa, và tôi đuổi hắn đi. Một vị khác tới, nồng hậu và dịu dàng, người nói về nàng và nước mắt tôi tuôn rơi. 

  Họ diễn giải cho tôi về tang lễ, mà tôi chẳng cho nổi một thứ vào đầu. Nhưng, tôi vẫn nhớ chiếc quan tài, và âm thanh của búa đóng từng chiếc đinh giam giữ nàng bên trong. Ôi chúa ơi!

  Người ta chôn nàng rồi! Chôn nàng, trong cái hố ấy! Một vài người bạn gái tới viếng thăm. Tôi tìm cách thoát ra, và bỏ chạy. Tôi chạy rồi đi bộ qua những con phố, về nhà, và ngày hôm sau bắt đầu hành trình của mình.

   Hôm qua tôi trở lại Paris, bước chân vào căn phòng cũ; căn phòng của chúng tôi, với đồ đạc và tất cả những thứ mà con người ta bỏ lại sau khi từ giã cõi đời. Thình lình một nỗi đau thương bóp nghẹt, tới nỗi tôi đã muốn mở cửa sổ và lao mình xuống phố. Tôi không thể chịu nổi việc ở đây, giữa những bức tường đã ôm lấy và bao bọc nàng, ấp trọn hàng ngàn những nguyên tử từ làn da và hơi thở của nàng trong từng kẽ nứt vô hình. Vội vơ lấy chiếc mũ và bỏ chạy, trực bước tới cửa, tôi đi qua tấm gương lớn trong hành lang mà nàng đặt để có thể ngắm mình mỗi ngày từ đầu đến chân trước khi ra ngoài, kiểm tra chiếc khăn choàng có xô lệch hay ngăn nắp đẹp đẽ, ngắm nghía từ đôi giày nhỏ cho tới chiếc mũ đội đầu.

   Tôi đứng sững trước tấm gương ấy, vốn đã phản chiếu hình bóng nàng thật thân thuộc, tới nỗi, hẳn là nó phải giữ lại một chút của nàng trong đó. Tôi cứ ngây ra đó, run rẩy, không thể rời mắt khỏi cái bề mặt phẳng, sâu sắc, trống rỗng ấy, thứ đã chứa đựng toàn bộ nàng, sở hữu nàng nhiều như ánh nhìn mê đắm của tôi. Tựa như tôi đã yêu tấm gương ấy mất rồi. Tôi chạm vào nó, nó lạnh tanh. Ôi niềm đau của kỷ niệm! Gương sầu thảm, gương bừng cháy, gương tệ bạc, nó để ta quằn quại trong đau đớn. Những kẻ quên sạch chất chứa trong tim, quên sạch những thứ đã bước qua nó, nhìn vào và phản chiếu lại mình trong chính ái tình của nó, mới sung sướng làm sao. Tôi quằn quại biết bao! 

   Chẳng còn hay biết điều gì, tôi vô thức tìm tới nghĩa trang. Tại đó tôi thấy mộ nàng, một phiến đá chữ thập giản dị, khắc vài từ sau: 

‘Nàng đã yêu, được yêu, và nàng giã từ’.

   Dưới đó nàng nằm, thối rữa, héo mòn. Thật khủng khiếp! Vùi mặt mình xuống đất tôi khóc thương, suốt một quãng dài, thật dài. Bóng đêm bắt đầu bao phủ, và một ý tưởng điên rồ, một khát khao tuyệt vọng của tình yêu chiếm lấy tôi. Tôi muốn ở lại đây, dành đêm cuối cùng than khóc trên mộ nàng. Nhưng người ta sẽ bắt gặp và đuổi tôi đi. Phải làm thế nào đây? Tôi bèn mưu kế, tạm đứng dậy rồi dạo bước trong thành phố của những người đã chết. Tôi đi và đi. Thành phố này thật nhỏ bé làm sao, khi so nó với chốn ngự trị của người sống. Ấy vậy mà, số lượng người chết lại áp đảo những kẻ sống. Chúng ta muốn nhà cao cửa rộng, phố xá khang trang, muốn một nơi chứa chấp cả thảy bốn thế hệ dưới cùng một ánh dương, uống nước từ những dòng suối, rượu từ những vườn nho, ăn bánh mì từ những cánh đồng.

   Còn với tất cả những thế hệ đã chết, những nấc thang của nhân loại, chẳng còn lại gì dành cho họ phía trước, chẳng còn gì. Đất trời đòi lại tất cả, sự bàng quan xóa sạch dấu vết của họ. Vĩnh biệt!

   Đến cuối nghĩa địa bỏ hoang, tôi nhận ra những nấm mồ nơi chủ nhân của nó đã hòa làm một với đất, nơi cả những thập tự cũng đã đổ nát, là nơi những người đến sau sẽ được đặt xuống ngày mai. Nó um tùm hoa hồng mọc dại và những cây bách rắn rỏi, một khu vườn u ám và đẹp đẽ, tươi tốt nhờ dưỡng chất xác thịt.

   Chỉ còn lại một mình, tôi núp dưới một bóng cây xanh, ẩn mình hoàn hảo sau những cành chắc nịch và ảm đạm. Tôi chờ đợi, bám mình vào thân cây, như một kẻ đắm tàu ôm lấy tấm ván.

   Khi bóng đêm bao phủ hoàn toàn, tôi rời khỏi chỗ trốn của mình và khởi sự bước thật nhẹ nhàng, chậm rãi, không chút tiếng động, qua bãi đất chật ních những người đã chết, tôi lang thang một hồi, nhưng chẳng thể tìm thấy nàng đâu. Vừa bước tôi vừa dang rộng cánh tay, bàn tay gõ lên những bia mộ, cả bằng chân, đầu gối, bằng ngực, thậm chí là bằng đầu, nhưng vẫn không tìm được nàng. Tôi mò mẫm như một kẻ mù lòa tìm đường, tôi cảm nhận những phiến đá, thập tự, những thanh chắn bằng sắt, những vòng hoa kim loại, cả những vòng hoa tươi giờ đã phai nhạt sức sống. Ngón tay tôi lần mò qua từng chữ cái, đọc lên những cái tên. Quả là một đêm! Tôi vẫn không tìm thấy nàng.

   Đêm ấy trăng không tỏ. Một đêm kinh hãi. Tôi sợ, sợ chết khiếp giữa những lối đi hẹp, giữa hai hàng bia mộ. Nấm mồ ở đây! Ở kia! Chẳng có gì ngoài nấm mồ cả! Bên phải, bên trái, đằng trước, xung quanh tôi, chúng ở khắp mọi nơi! Sức lực cạn kiệt, tôi buộc phải ngồi lên chúng, đầu gối tôi mềm nhũn. Tôi nghe được cả tiếng tim mình đập loạn xạ. Và kìa, còn có tiếng động khác nữa. Nó là gì vậy? Một âm thanh kì lạ, không thể gọi tên. Nó tới từ màn đêm đặc quánh, hay từ dưới lớp đất bí ẩn đầy rẫy xác người? Tôi nhìn xung quanh, không thể đoán được rằng mình đã ngồi đó bao lâu, tê liệt, mụ mị trong nỗi sợ hãi, tôi đã sẵn sàng để gào lên, sẵn sàng để chết.

  Bỗng nhiên, tôi cảm thấy phiến đá bên dưới mình chuyển động. Chắc chắn rồi, nó đang dịch chuyển, như thể được nâng lên. Tôi vọt sang bên cạnh, và chính mắt mình trông thấy, đúng vậy, từ dưới nơi tôi vừa ngồi, một người chết trồi lên, một bộ xương khô trơ trụi, nó đỡ lấy phiến đá bằng tấm lưng của mình. Tôi thấy rất rõ, mặc cho bóng đêm dày đặc. Trên thập tự tôi đọc được: 

Tại đây Jacques Olivant yên nghỉ, hưởng thọ 51 tuổi. Một con người của gia đình, nhân hậu và đáng kính, ra đi trong vòng tay khoan hồng của chúa.”

  Kẻ đã chết cũng đọc những dòng khắc trên bia mộ, rồi hắn nhặt bên vệ đường một viên đá nhỏ, vót đầu, khởi sự tỉ mẩn cạo chúng đi. Một cách chậm rãi, hắn xóa nhòa những chữ cái, hai cái hốc trống rỗng trên khuôn mặt không rời ánh nhìn. Rồi với đầu ngón tay xương xẩu, hắn bắt đầu viết những dòng sáng rực, như khi người ta dùng diêm cháy chạy những đường ngoằn ngoèo trên tường.

“Jacques Olivant nằm đây, hưởng thọ 51 tuổi. Bằng sự tàn nhẫn hắn hối thúc cha mình tới chỗ chết nhằm chiếm đoạt tài sản, hắn giày xéo vợ mình, làm khổ những đứa con, lừa phỉnh láng giềng, cướp của bất cứ ai có thể, và chết một cách khốn khổ.”

  Viết xong, kẻ đã chết đứng bất động, ngắm nhìn thành quả của mình. Quay lưng lại tôi nhận ra tất cả các nấm mồ đều đã mở, những xác chết từ đó chui ra, họ gạch xóa những lời lẽ dối trá mà người thân viết trên bia mộ của mình, để thay vào đó bằng sự thật. Tôi thấy họ đều là những kẻ gây ra nỗi thống khổ cho láng giềng của mình: xảo quyệt, ranh ma, dối trá, những kẻ lăng mạ, lòng đầy ghen ghét, họ cướp bóc, lừa gạt, làm đủ mọi trò khốn nạn, toàn là những người cha đức hạnh, người vợ hiền, những đứa con trai hiếu thảo, con gái trong trắng, những thương nhân trung thực. Những kẻ vốn được tung hô bởi sự chính trực, quả thực họ được cho là vậy, đang cùng nhau viết lên, trước ngưỡng cửa nơi an nghỉ vĩnh hằng của mình, sự thật tồi tệ và linh thiêng mà chẳng ai biết, hay đã cố tình tảng lờ đi khi còn sống.

  Chợt tôi nhận ra hẳn nàng cũng đã viết gì đó lên bia mộ của mình, và giờ tôi chạy, chẳng còn sợ hãi, giữa những quan tài hé mở, giữa những xác và những bộ xương khô, tôi chạy tới chỗ nàng, tin chắc rằng mình sẽ tìm thấy nàng ngay thôi. Tôi nhận ra nàng mà không cần nhìn khuôn mặt vốn bị che khuất bởi lớp vải liệm, và trên phiến đá chữ thập nơi trước đó tôi đọc được: “Nàng đã yêu, được yêu, và nàng giã từ”, giờ nó viết: “Nàng rời đi vào một ngày, để dối lừa tình nhân của mình, mắc mưa và cảm lạnh rồi chết”

  Người ta tìm thấy tôi lúc tờ mờ sáng, nằm bất tỉnh trên ngôi mộ.

* Ảnh: The Embrace – Egon Schiele


Posted

in

by