The Cricket Project

I came I saw I read.

TÍNH THƠ LƯỢNG TỬ

William Egginton

William Egginton

Triết gia và nhà phê bình văn học.

  Borges và Heisenberg đã đồng quy về ý niệm rằng ngôn ngữ cùng lúc tạo điều kiện và gây cản trở cách ta nắm bắt thực tại thế nào

Jorge Luis Borges ở Palermo, Sicily năm 1984

Ảnh của Ferdinando Scianna/Magnum

  Khi cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại di căn từ châu Âu, hai người đàn ông – cách nhau cả thế giới và đến từ hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt – đồng quy về một ý tưởng cơ bản là giống nhau. Một người là nhà thơ và người viết truyện ngắn có thành công chút đỉnh trong đất nước mình, nhưng hầu như không ai biết tới ở nước người. Người còn lại đã được giải Nobel cho thành tựu từ 15 năm trước, và sau đó sẽ đứng đầu danh sách những người mà phe Đồng minh thèm khát bởi những gì họ nghĩ ông ấy đã làm cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân bất thành của Đức Quốc xã.

  Nhưng trong khi Jorge Luis Borges không biết gì về những đột phá trong cơ học lượng tử, và trong khi Werner Heisenberg cũng chưa thể bắt gặp những tác phẩm mà trong số đó có cuốn chỉ bán được vỏn vẹn 37 bản của người đàn ông ở Argentina phía bên kia thế giới, trong khoảng năm 1942 cả hai người đều bị ám ảnh bởi câu hỏi: ngôn ngữ cùng lúc tạo điều kiện và gây cản trở cách ta nắm bắt thực tại thế nào?

  Sau thất bại vang dội của History of Eternity (Lịch sử của Vĩnh cửu) (1937), cuốn sách chỉ bán được 37 bản một năm và hầu như không được nhà phê bình nào để mắt tới, Borges rơi vào vũng sâu trầm cảm. Tuy vậy, những chủ đề triết học của cuốn sách tiếp tục thẩm thấu và sau đó trỗi dậy dưới một dạng khác hoàn toàn trong một tập truyện có tên Artifices (Những kỹ xảo) (1944). Trong truyện mở đầu tuyển tập đó, Borges miêu tả một người đàn ông đã đánh mất khả năng lãng quên.

  Người đàn ông đó mang tên Ireneo Funes. Khi người dẫn chuyện gặp anh, anh vẫn còn là một chàng trai trẻ, nổi tiếng trong làng nhờ khả năng thú vị là có thể nói chính xác đang là mấy giờ dù không bao giờ đeo đồng hồ. Hai năm sau, khi trở lại, người dẫn chuyện được biết Funes đã gặp tai nạn và phải nằm liệt giường trong căn nhà ở rìa thị trấn. Người dẫn chuyện ghé thăm và thấy anh đang hút thuốc một mình trên giường trong bóng tối. Người dẫn chuyện kinh ngạc và xót thương vì vận rủi xảy đến với Funes, nhưng lạ thay, chàng trai trẻ không hề coi tình trạng của mình là một dạng khuyết tật, mà là một món quà. Funes tin rằng tai nạn đã ban cho anh trí nhớ hoàn hảo.

  Chưa bao giờ học tiếng Latin, chàng trai trẻ mượn từ người dẫn chuyện một cuốn từ điển Latin và cuốn Naturalis historia (Lịch sử tự nhiên) của Pliny. Lần tiếp tới họ gặp nhau, thay lời chào, chàng trai đọc làu làu từng chữ một trong đoạn đầu tiên của chương 24 trong cuốn số bảy của bộ sách: một đoạn nói về ký ức. Mặc dù riêng khả năng ghi nhớ đã đáng kinh ngạc, món quà của Funes còn vượt quá cả ký ức đặc biệt ấy. Anh chìm đắm vào thực tại thật sự sâu sắc và thật sự hoàn hảo tới mức không bỏ sót bất cứ điều gì mà giác quan có thể tiếp nhận. Trong một đoạn văn nên thơ, Borges miêu tả khả năng của Funes như sau:

Liếc nhanh một cái, bạn và tôi tri nhận ba ly rượu trên bàn; Funes tri nhận từng trái nho đã được ép thành rượu và tất cả những cuống và tua cây nho trong khu vườn đã sinh ra trái nho đấy. Anh biết được hình thù của những đám mây trên bầu trời phía nam vào sáng ngày 30 tháng 4, 1882, và anh có thể so sánh chúng từ trong ký ức với những vân nổi trên tấm bìa da một cuốn sách anh từng thấy chỉ một lần, hay với những phe phẩy của những tia nước được mái chèo quạt lên trên dòng Rio Negro vào cái đêm diễn ra Trận Quebracho.

Collected Fictions (Tuyển tập truyện hư cấu) (1998) của Jorge Luis Borges

Andrew Hurley chuyển ngữ

  Mặc dù Funes quả quyết rằng những khả năng của anh hiện tại khiến cho quãng đời trước đó anh giống như người mù, người dẫn chuyện ngay lập tức lờ mờ hình dung ra những hạn chế của tình trạng này. Như Borges đã viết tiếp:

[Funes] có thể tái tạo mọi giấc mơ cả khi ngủ và khi thức mà anh từng mơ. Đôi ba lần anh đã tái tạo trọn vẹn cả một ngày; anh chưa bao giờ nhầm lẫn hay nao núng, nhưng mỗi sự tái tạo riêng nó đã mất nguyên ngày.

  Người có thể tri nhận và ghi nhớ hoàn hảo sự tri nhận tất cả những gì xung quanh anh ta bị bão hòa trong sự tức thì của ký ức. Anh trải nghiệm thế gian một cách mãnh liệt, nhưng chính sự mãnh liệt gây cản trở trải nghiệm ấy. Bởi, nếu mất nguyên ngày để tái tạo ký ức một ngày, điều gì đã xảy ra với ngày mới đó? Và có đáng ngạc nhiên không khi một người có thể trải nghiệm thế giới theo cách ấy cảm thấy cần phải biệt giam mình trong căn phòng tối để tránh bị nuốt chửng bởi cơn lũ lụt ào ạt mang tên ký ức và tri giác?

Anh ta sống trong một thế giới của những sự riêng biệt, và cần một hệ thống đại diện có thể bảo lưu tính riêng biệt ấy

  Như người dẫn chuyện của Borges dần nhận ra, những nghịch lý trong cơn bệnh của Funes tự bộc bạch trong cơn vật lộn của anh với ngôn ngữ. Điển hình cho cơn vật lộn này là cách mà Funes đánh số. Thay vì nhìn nhận chúng như những thành tố của một hệ thống khái quát, Funes cảm thấy cần phải tạo một cái tên và căn tính riêng biệt cho từng con số. Tính đến cuộc trò chuyện với người dẫn chuyện của Borges, bộ từ vựng đếm số của Funes đã vượt quá 24,000 từ. Như Borges viết:

Thay vì bảy ngàn mười ba (7013), anh sẽ nói, chẳng hạn, ‘Máximo Pérez’; thay vì bảy ngàn mười bốn (7014), ‘đường sắt’; những số khác là ‘Luis Melián Lafinur,’ ‘Olimar,’ ‘lưu huỳnh,’ ‘quân tép,’ ‘cá voi,’ ‘khí ga,’ ‘cái nồi hầm,’ ‘Napoleon,’ ‘Agustín de Vedia.’ Thay vì nói năm trăm (500), anh nói ‘chín.’

  Ngoài việc rất hài hước, ý tưởng về việc Funes sử dụng một con số để chỉ định một con số khác tóm gọn lại nỗi bất lực khổng lồ là hệ lụy mà siêu năng lực của anh mang lại. Người dẫn chuyện cũng ghi nhận điều này. Anh đã cố gắng truyền tải tới Funes một ấn tượng rằng hệ thống này hoàn toàn bỏ quên mục đích của hệ số đếm, nhưng vô hiệu. Funes không có khả năng khái quát hóa, khả năng chấp nhận một dấu hiệu đại diện cho nhiều hơn một thứ. Anh sống trong một thế giới độc chiếm bởi những sự riêng biệt, và cần một hệ thống có thể bảo lưu tính riêng biệt đó.

  Funes cần tới một loại ngôn ngữ mà những triết gia hiện đại đầu tiên, như John Locke, đã giả định, một thứ ngôn ngữ có tên gọi cho tất cả mọi thực thể tồn tại. Nhưng, như người dẫn chuyện tiếp tục nghi hoặc, trong khi Locke loại bỏ một ngôn ngữ như vậy bởi nó cụ thể đến mức vô dụng, Funes loại bỏ nó bởi kể cả một ngôn ngữ như vậy vẫn còn quá khái quát. Đấy là bởi vì Funes không có chức năng cơ bản hàm ẩn trong tư duy và tạo điều kiện cho tư duy – trừu tượng hóa. Vì thế, hiển nhiên cách những con người khác sử dụng ngôn ngữ không làm anh hài lòng. Người dẫn chuyện tiếp tục kể:

Funes không chỉ gặp khó khăn trong việc chấp nhận một ký hiệu chung chung như ‘con chó’ lại bao hàm tất cả những cá thể đủ mọi hình dạng và kích cỡ, anh thậm chí thấy khó chịu vì ‘con chó’ được nhìn nghiêng lúc ba giờ mười bốn phút buổi chiều lại được chỉ định bởi cùng một danh từ với con chó được nhìn thẳng lúc ba giờ mười lăm phút. Khuôn mặt của chính mình trong gương, bàn tay của chính mình – những thứ ấy khiến anh kinh ngạc mỗi lần nhìn thấy.

  Nhưng cả sự kinh ngạc và sự khó chịu của anh lại đi ngược lại chính cái điều anh đang muốn nói; bởi, để có thể ngạc nhiên với phản chiếu của chính mình, để có thể khó chịu bởi sự chung chung của từ ‘chó’, chính bản thân Funes cũng phải có thể khái quát hóa vô số những ấn tượng của khuôn mặt anh trong gương hay những ấn tượng của con chó lúc 3:14 và lúc 3:15. Đây cũng chính là điểm chính nhất trong suy tư của Borges – hoàn toàn không thể vừa chìm đắm trong hiện tại như Funes nói, vừa nhận thức được sự khái quát của ngôn ngữ để chỉ trích nó. Funes đang vừa muốn voi  – bằng cách chấp nhận sự khái quát của ngôn ngữ mà cho phép nó định danh những khía cạnh khác nhau của một vật – vừa muốn tiên – bằng cách chìm đắm vào hiện tại tới mức sự khái quát ấy hầu như không thể tưởng tượng được.

Werner Heisenberg tại hội thảo ở Leipzig, năm 1958

Ảnh của Wolfgang G. Schröter, lưu trữ tại Deutsche Fotothek

  Cùng lúc ấy, khi xung quanh chiến tranh cuồng nộ, khi đang miệt mài làm việc để tạo ra (hoặc để ngăn chặn việc tạo ra, có lẽ ta không bao giờ biết chắc) vũ khí nguyên tử cho Đức, Heisenberg còn bí mật viết một cuốn sách triết học. Tập Manuscript of 1942 (Bút ký năm 1942) được đặt tên không theo năm xuất bản, bởi đó là rất lâu sau khi ông đã qua đời, mà theo năm ông hoàn thành và lưu hành cuốn sách giữa những người bạn thân. Xét từ công trình đó, có vẻ rằng trong khi đáng ra phải làm việc cho chương trình vũ khí của Đức, điều Heisenberg thật sự quan tâm là bí ẩn của mối liên hệ giữa ta với thực tại và hiểu biết của ta về thực tại. Ông tin rằng vấn đề này rốt cuộc nằm ở ngôn ngữ.

  Với Heisenberg, khoa học diễn giải thực tại thành ý nghĩ. Loài người, do đó, cần tới ngôn ngữ để tư duy. Tuy vậy, ngôn ngữ lại dựa trên những hạn chế cản trở hiểu biết của ta với tự nhiên, mà công trình của Heisenberg từ những năm 1920 đã chỉ ra. Ngôn ngữ có thể tiến sát tới thế giới ở một mức khách quan cao, ở đây nó trở nên tường minh và hữu dụng cho những nhà khoa học nghiên cứu thế giới. Nhưng khi nó trở nên quá tập trung và được mài giũa quá mức, ngôn ngữ mất đi khía cạnh thiết yếu còn lại, khía cạnh mà ta cần để có thể tư duy. Cụ thể là ngôn từ của ta mất đi khả năng mang những ý nghĩa tùy biến theo ngữ cảnh.

  Heisenberg gọi loại ngôn ngữ đầu tiên là tĩnh và loại thứ hai là động. Loài người dùng ngôn ngữ trong vô số cách trải dài trên phổ giữa hai cực ‘phần lớn tĩnh’ và ‘phần lớn động’. Ở một cực là những nhà vật lý học, những người cố gắng để kết nối ngôn từ càng gần càng tốt tới một hiện tượng nhất định. Ở cực còn lại là những nhà thơ mà cách họ sử dụng ngôn ngữ dựa vào khả năng đa nghĩa của nó. Những nhà khoa học dùng tính tĩnh của ngôn từ để có thể vạch rõ những quan sát dưới những điều kiện rất cụ thể, nhưng để làm vậy họ phải hy sinh một thứ. Như Heisenberg viết:

Trong một miêu tả ‘tĩnh’, thứ bị hy sinh là sự liên tưởng phức tạp vô cùng tận giữa những từ và khái niệm, mà nếu không có sự liên tưởng này ta sẽ mất đi toàn bộ cảm nhận rằng ta đã hiểu được chút ít nào trong sự phong phú vô tận của thực tại. ​

  Nếu theo Heisenberg, suy tư về thế giới dựa vào sự kết hợp những khía cạnh tĩnh và động của ngôn ngữ, thì sự đánh đổi này khiến cho ‘một miêu tả toàn vẹn và chính xác về thực tại là bất khả.’

Để tri nhận một vật thể khi nó thay đổi, ta cần quên đi sự khác biệt nhỏ nhoi giữa hai khoảnh khắc khác nhau​

  Ta có thể thấy lý thuyết của Heisenberg về cách ngôn ngữ vận hành có nhiều đường song song với sự vật lộn của Funes. Với Heisenberg, tác phẩm nên thơ của Borges trở thành ví dụ lý tưởng cho cuộc nội kiểm tri thức của ta, bởi chính sự hoàn hảo của ký ức của Funes và khả năng tri nhận mãnh liệt của anh té ra lại là rào cản cho khả năng hiểu và khả năng tách biệt giữa những tri giác và những hồi tưởng. Hãy tưởng tượng Funes là một nhà vật lý học trong phòng thí nghiệm. Anh phân biệt mỗi quan sát sui generis (tách biệt, riêng nó), không liên quan tới bất cứ gì khác. Tri giác hoàn hảo giúp anh tách bạch được, theo lời Borges, ‘không chỉ từng chiếc lá của từng cái cây trong từng mảng rừng, mà còn từng lần anh đã tri nhận hay tưởng tượng chiếc lá ấy.’ Đưa anh ta một buồng mây[1], và anh ta nhận thức được không chỉ từng chấm nước ngưng tụ do một electron lang thang để lại, mà chính cả hạt cơ bản ấy; và không phải chỉ bản thân hạt cơ bản, mà mỗi và từng khoảnh khắc trong chuỗi vô hạn những khoảnh khắc vẽ ra đường đi của nó.

  Nhưng hiển nhiên, anh ta không thể làm vậy. Anh ta không thể, bởi chính bản chất của việc tri nhận một vật hay một hạt khi nó thay đổi theo thời gian yêu cầu người quan sát phải quên, dù chỉ rất nhanh thôi, sự khác biệt nhỏ nhoi giữa hai khoảnh khắc khác nhau trong không-thời gian. Không có sự xóa mờ cỏn con này, không có sự bám víu lấy một khoảnh khắc thời gian để ghi nhận sự thay đổi siêu vi trong khoảnh khắc tiếp theo, tất cả những gì nhà vật lý học Funes có thể trải nghiệm là một bây giờ vĩnh cửu. Một con chó lúc 3 giờ 14 phút chiều, nhìn trực diện, không bao giờ được lĩnh cái tên ‘chó’, không bao giờ được công nhận, không bao giờ được quan sát.

  Như Borges khi cố để hình dung thế giới ra sao với một người có tri giác hoàn hảo, Heisenberg nắm bắt được rằng để đồng thời quan sát vị trí và mô men của một hạt với sự chính xác tuyệt đối đòi hỏi sự đồng tồn tại của người quan sát với hạt trong một tức khắc của không-thời gian, một điều kiện mâu thuẫn với khả năng quan sát bất cứ thứ gì. Không phải vì một tính chất đáng sợ nào trong thế giới của những hạt vật lý, mà bởi bản chất của việc quan sát là tổng hợp ít nhất hai khoảnh khắc khác nhau trong không-thời gian. Như triết gia vĩ đại người Phổ Immanuel Kant đã viết hơn 100 năm trước đó, bất cứ sự quan sát nào cũng yêu cầu tách biệt ‘thời gian theo trình tự của những ấn tượng chồng lên nhau’. (‘the time in the succession of impressions on one another’). Việc quan sát hủy hoại sự tồn tại hoàn hảo trong hiện tại bởi nó thêm không gian và thời gian vào thứ được quan sát. Một hạt được bắt gọn trong một khoảnh khắc của không-thời gian, theo định nghĩa, không thể tri nhận nổi, bởi, theo lời Kant, ‘khi chứa đựng trong một khoảnh khắc, không sự đại diện nào có thể là bất cứ thứ gì ngoài đơn nhất tuyệt đối’ (‘as contained in one moment no representation can ever be anything other than absolute unity’) – một lát cắt siêu mỏng của không-thời gian, không có trước, không có sau, và vì vậy không có gì để quan sát.

  Kant cho rằng cần thiết phải hiểu được hạn chế cơ bản này đối với tri thức con người để có thể đảm bảo rằng khoa học sẽ không phạm sai lầm. Heisenberg cũng tin vậy. Như ông viết trong bút ký, khi khoa học tìm ra điều gì đó mới:

Lãnh địa hiệu lực [của khoa học] có vẻ được đẩy thêm một bước nữa vào khoảng tối không thể thâm nhập nằm ở phía sau những ý tưởng mà ngôn ngữ có thể biểu lộ. Cảm nhận này quyết định chí hướng suy tư của ta, nhưng một phần bản chất của suy tư là việc mối quan hệ phức tạp nó đang cố khám phá không thể nào chứa đựng trong ngôn từ.​

  Ta cần phải để tâm tới một rào cản tri thức, ko phải một rào cản nào đó ngoài Vũ trụ – rào cản do chính ta tạo ra khi áp đặt hình ảnh của ta về thực tại lên những biên giới đang ngày càng mở rộng của những phát hiện trong tương lai. Một lần nữa mượn lời Heisenberg:

Khả năng hiểu của loài người là vô hạn. Về những thứ tuyệt đối, ta không thể nói.​

  Hay, nói cách khác, việc giả định để nói về những thứ tuyệt đối sẽ đặt hạn chế lên khả năng hiểu của ta.

  Trong cùng năm mà Heisenberg hoàn thiện và lưu hành tập bút ký trong nhóm bạn thân – để tránh sự soi xét của một thể chế đã dán nhãn nhánh vật lý của ông là ‘khoa học của bọn Do Thái’ và đã nhắm tới chính ông như là một ‘tên Do Thái trắng’ – Borges đã xuất bản một bài tiểu luận kì lạ trong tạp chí La Nación (Quốc Gia). Ở bề ngoài, bài tiểu luận xét lại những cống hiến của triết gia tự nhiên thế kỷ 17 và người đồng sáng lập Hiệp hội Hoàng Gia, John Wilkins, đối với công cuộc tìm kiếm và sáng tạo một ngôn ngữ thoát khỏi những khiếm khuyết và những đột biến thường gặp ở những ngôn ngữ tự nhiên.

  Những câu văn nổi tiếng nhất từ bài luận đến từ những đoạn kết luận, trong đó Borges so sánh  những sự thừa thãi và sự bất nhất ông thấy ở ngôn ngữ lý tính của Wilkins với một hệ thống phân loại mà ông nói rằng đã tìm thấy ‘trong một cuốn bách khoa thư của người Trung Hoa mang tên Celestial Emporium of Benevolent Knowledge (Bách hóa Tri thức Từ bi Thiên đàng), trong đó:

các loài vật được chia thành (a) những loài thuộc về Thiên tử, (b) những loài được ướp xác, (c) những loài được huấn luyện, (d) lợn sữa, (e) tiên cá, (f) những loài lộng lẫy, (g) chó hoang, (h) những loài được phân loại ở đây, (i) những loài run lên như giận dữ, (j) những loài không đếm được, (k) những loài họa bằng một cây cọ lông lạc đà rất mịn, (l) những loài khác, (m) những loài vừa mới đánh vỡ một bình hoa, (n) những loài mà nhìn từ xa trông giống ruồi.

  Michel Foucault đã bắt đầu cuốn sách The Order of Things (Trật tự của Vạn vật) (1966) theo cách rất đáng nhớ: ông hồi tưởng phản ứng của mình khi lần đầu đọc danh sách của Borges. Phản ứng của Foucault là thảng thốt – sự kinh ngạc lạ lẫm gợi đến bởi một hệ thống phân loại hoàn toàn khác biệt, tùy tiện, và có vẻ tự mâu thuẫn – còn cuốn bách khoa thư hư cấu của Borges được dùng để hạ bệ một sự tự tin ta hay có chung với Wilkins, mà trên nền móng đó ngôn ngữ lý tính của ông được xây dựng.

Một ngôn ngữ được thiết kế để tính đến tất cả những gì tồn tại sẽ chìm đắm trong bãi cạn là sự trọn vẹn của chính nó.

  Giao tiếp rất khó nắm bắt bởi ngôn từ trong ngôn ngữ tự nhiên thiếu động lực, theo như Ferdinand de Saussure suy xét. Những từ khác nhau trong những ngôn ngữ khác nhau mổ xẻ thế giới theo những cách khác nhau. Nhưng một ngôn ngữ thật sự lý tính sẽ tránh được những khó chịu ấy. Những sự lặp đi lặp lại của việc chuyển ngữ sẽ mãi mãi bị trục xuất. Wilkins nhắm tới một hệ thống phân loại gần giống như phép phân loại Linnaean, nhưng sẽ áp dụng cho tất cả mọi thứ có thể biểu lộ trong ngôn ngữ. Mọi chữ cái trong một từ phải có nghĩa và bổ sung cho sự riêng biệt của từ. Như Borges giải thích:

Chẳng hạn, de có nghĩa là nguyên tố; deb, nguyên tố đầu tiên, lửa; deba, một phần của nguyên tố lửa, một ngọn lửa.

  Nhưng thay vì mang lại khả năng giao tiếp lý tính và hoàn hảo, hệ thống của Wilkins phân rã thành một thảm họa chứa đầy những mâu thuẫn, sự thừa thãi, và những mệnh đề hằng đúng. Hóa ra, một ngôn ngữ được thiết kế để tính đến tất cả những gì tồn tại sẽ chìm đắm trong bãi cạn là sự trọn vẹn của chính nó. Wilkins không chủ đích tạo ra một công trình hài hước, nhưng những danh sách của ông cũng ngớ ngẩn như những danh sách trong Bách hóa Thiên đàng. Tuy vậy, nguồn cơn cho tính hài hước chẳng liên quan gì đến những gì Wilkins chọn đưa vào danh sách. Borges ám chỉ rằng bất cứ nỗ lực nào tương tự cũng sẽ nhanh chóng thu gom những sự vô nghĩa như vậy. Bởi chính cái ý tưởng về một hệ thống đại diện phân loại mọi thứ ở cấp độ 1-1, như niềm hy vọng đã bị Locke từ bỏ hay như hệ thống số chằng chịt của Funes, bao hàm một ý tưởng sai lầm về thực tại: rằng thực tại ở ngoài đó, chia tách thành vô số những mẩu nhỏ vừa miệng, chỉ đang chờ đợi được ứng đáp. Nhưng, như Borges lại viết:

Hiển nhiên không có sự phân loại vũ trụ nào mà không tùy tiện và không phỏng đoán. Lý do rất đơn giản: ta không biết vũ trụ là gì.​

  Hơn thế nữa:

Ta cần nghi ngờ rằng không có vũ trụ nào theo cách hiểu hữu cơ và thống nhất vốn có trong cái từ giàu tham vọng đó.​

  Tuy vậy, Vũ trụ, theo cách hiểu hữu cơ và thống nhất đó, lại là nền móng cho nhiều thế hệ những tiền giả định về bản chất của không gian và thời gian, sự tồn tại độc lập của thực tại ngoài những đo đạc của ta, và khả năng của khoa học để hiểu thực tại đến cốt lõi nhất. Chính một vũ trụ như thế – một vũ trụ mà ở đó ta có thể xác định được vị trí và mô men của một hạt với sự chính xác hoàn hảo, một vũ trụ là sự hy vọng và giả định của khoa học – là một vũ trụ mà phát hiện của Heisenberg đã đánh đổ[2].

[1] cloud chamber – một loại máy dò hạt dùng trong vật lý (ND)

[2] Nguyên lý bất định (1927) của Heisenberg phát biểu rằng “Ta không bao giờ có thể xác định chính xác cả vị trí lẫn vận tốc của một hạt vào cùng một lúc. Nếu ta biết một đại lượng càng chính xác thì ta biết đại lượng kia càng kém chính xác.’


Posted

in

, ,

by