The Cricket Project

I came I saw I read.

STAFF’S PICKS: GIỐNG NHƯ LÀ CHẾT

Guy de Maupassant

Guy de Maupassant

Nhà văn Pháp thế kỉ 19, nổi tiếng với thể loại truyện ngắn. Đồng thời là gương mặt đại diện cho chủ nghĩa tự nhiên trong văn học.

  Một đời người sống là một đời người chịu phủ phục trước dòng chảy thời gian. Thời gian xóa nhòa tất cả, nó bàng quan trước sự tồn tại của con người. Nó làm héo mòn thân xác, kiệt quệ tinh thần. Với những kẻ may mắn giữ được ngọn lửa tâm hồn khỏi lụi tàn trước sự càn quét của nó, thời gian càng nhẫn tâm hơn khi ban cho kẻ đó một trái tim chín muồi, dẻo dai, thèm khát được yêu, nhưng lại tước đi sức lực của thể xác.

  Olivier Bertin và nữ bá tước de Guilleroy đồng hành cùng nhau trên con đường của thời gian, tuy xuất phát điểm của họ có phần khác nhau. Ở người họa sĩ, tình yêu của ông được thúc đẩy bởi đam mê và khát vọng chinh phục, nhưng thiếu vắng một con mắt tinh tường để bóc tách từng lớp vỏ và soi rõ được chiều sâu của chính nó. Người đồng hành của ông, nữ bá tước de Guilleroy, lại hiểu rõ hơn những cảm xúc của mình, bà soi xét và công nhận chúng ở cả những khía cạnh gai góc nhất. Bởi sự tường tận này, tuy chào đón nó bằng cả sự tồn tại, hoặc chính bởi chào đón nó bằng cả sự tồn tại, mà bà sống cùng với nỗi sợ hãi về sự mong manh, biến động của lòng dạ con người trước thời gian, nỗi sợ ấy hóa thành một cơn ám ảnh phù phiếm lên vẻ bề ngoài, thứ duy nhất bà có thể phần nào kiểm soát, tô điểm trước khi nó cũng chóng phai nhòa. 

  Không ai biết cách vuốt ve, nuôi dưỡng tâm hồn mình trước sự mài mòn của thời gian giỏi hơn một người nghệ sĩ, hay người phụ nữ đem lòng yêu nghệ sĩ đó vì chính mỹ nghệ ấy của ông, và bởi vậy, họ đau khổ. 

Đó là lỗi của trái tim chúng ta, chúng đã không già đi. Tôi cảm thấy tim tôi vô cùng sống động.

Nữ bá tước de Guilleroy, trang 297.
Ảnh: Giống như là chết – Guy de Maupassant

  Nhưng tôi vẫn mạn phép gọi họ là “những kẻ may mắn”, bởi trong khoảnh khắc khiêm nhường nhất của sự tự ý thức mà có thể dễ dàng làm cho bất cứ kẻ nào rơi vào cơn cuồng nộ của phẫn uất, họ tìm về với nhau và cho phép mình được là những tạo vật từ cát bụi, yêu lấy nhau vì điều đó. 

  Tôi cảm thấy mình bị đặc biệt thu hút bởi cuốn tiểu thuyết này, bởi bản thân đang ở trong cái giai đoạn của cuộc đời mà ta bỗng trở nên vô cùng ý thức về thời gian và tốc độ mà nó chuyển mình. Hơn thế nữa, tôi lo sợ cái cách mà thời gian sẽ biến tôi thành một người qua đường trước chính những xúc cảm của bản thân, và sự tường tận đến cùng với tuổi tác sẽ chỉ càng phóng đại sự bất lực của tôi trước cơn lãnh cảm. Giống như là chết, thoạt nghe thật đáng sợ và nặng nề, nhưng tôi không mong gì hơn rằng trước khi thực sự bước tới “Sự Quên Vĩnh Cửu”, tôi sẽ luôn có đủ tò mò và dũng khí trong trái tim để chào đón những cảm xúc vĩ đại đến vậy. 

** Ảnh: Death and the Maiden (1915-16) bởi Egon Schiele


Posted

in

, ,

by