The Cricket Project

I came I saw I read.

­CUỘC CHẠY TRỐN THÀNH PHỐ…

Bảo Trân

Bảo Trân

Có nhiều khi ngồi trên chiếc xe máy, tôi nhấn ga và để xe lao về phía trước. Tôi không biết mình đi đâu, đầu óc trống rỗng tuyệt đối, chỉ biết rằng tôi cần lao mình không ngừng về phía trước, phó mặc số phận có ra sao.

Con người bên cạnh dáng vẻ của người lữ hành (như Rilke: “Dù mình có làm gì đi nữa trên cõi đời này thì mình vẫn có dáng dấp của kẻ lên đường”), còn mang dáng dấp của kẻ chạy trốn – chạy trốn những điều trông thấy và không trông thấy, hữu hình và vô hình, có lí và phi lí, mọi thứ khiến nó cảm thấy mang tiềm năng đổ sập vào mình. Hành động đột ngột rít ga, phóng xe băng trên đường của tôi dường như cũng là một cuộc chạy trốn. Thứ gì đó bên trong thúc giục tôi cần nhanh chóng rời khỏi đó trước lúc ý thức kịp nhận định. Có lẽ tôi muốn trốn chạy mặt trời mùa hè đang chiếu những tia nắng gắt như có axit làm biến dạng, méo mó cả thảy hình ảnh thành phố vốn đã mù mịt, hư ảo trong màn bụi cát giăng đầy. Cũng có thể rằng muốn biến đi cho khuất khỏi con đường nhựa khúc khuỷu, kẹp giữa hai bên dãy nhà nối nhau sin sít, giăng mắc đầy các bảng hiệu quảng cáo cùng đèn neon nhấp nháy như muốn kẹp nhuyễn con người rồi đục khoét thân thể bên trong nó bắt đầu từ chỗ hốc mắt. Và hẳn nhiên, không thể thiếu nỗi sợ hãi tập hợp các thứ tiếng ồn tạp nham đặc trưng nơi thành phố: tiếng khoan rèn, tiếng còi xe, tiếng nói chuyện, chửi nhau, tiếng chó sủa, tiếng hò hét, tiếng các thiết bị điện rè rè tạo thành thứ bè trầm tinh vi ngấm ngầm gây cơn ức chế song chỉ có thể nhận biết rõ ràng khi lọc sạch mọi âm thanh còn lại,…, mà tôi cần phải trốn chạy nếu không muốn bị chúng xâm chiếm đến phát nổ tung và khiến chính tôi một cách hiểm nghèo, cũng góp vào bầu khí quyển ấy một thứ tiếng – tiếng nổ của pháo hoa ròn rã. Lâm vào hoàn cảnh đó, người ta chỉ muốn hét lên như Baudelaire:

“Cuộc sống khiếp hãi! Thành phố khiếp hãi!”

Baudelaire

Đúng vậy, nhất thiết phải nhắc tới Baudelaire trong hoàn cảnh này, cha đẻ của thi ca hiện đại Pháp, người đã phát hiện ra nỗi cô đơn của con người trong lòng đô thị và đem nó vào các tác phẩm của mình. Ông gọi nỗi cô đơn đó là “Spleen”. Tâm trạng “Spleen” là cảm hứng chủ đạo trong nhiều sáng tác của Baudelaire và ở tập thơ văn xuôi “Le spleen de Paris”, nó xuất hiện ngay từ nhan đề. Để nói lên tâm trạng buồn chán, Baudelaire chọn một từ của Anh ngữ: “Spleen”. Từ “Spleen” xuất hiện trong Pháp ngữ vào thế kỷ 18 và lan tràn trong văn học vào đầu thế kỷ 19, mang nghĩa nỗi buồn chóng qua, vô cớ, mà đặc tính là sự chán chường mọi thứ. Tuy nhiên, nói là chóng qua, vô cớ, song không bộc phát, hời hợt. Nó gần như một trạng thái buông thõng khi người ta đã chán cả sự chán, như thể không còn khóc được sau bao đêm khóc ròng. Tuy vậy, ai mà không biết, trạng thái không khóc được còn bi kịch hơn nhiều so với việc khóc được, còn khóc được. Hãy thử đọc một đoạn thơ trích từ chương VI của “Le spleen de Paris” để thấy điều đó:

“Tất cả các khuôn mặt mệt và nghiêm túc kia chẳng hề biểu lộ chút tuyệt vọng nào; bên dưới vòm tròn đượm spleen của bầu trời, bàn chân lấm sâu vào bụi của một mặt đất cũng đìu hiu như bầu trời kia, họ đi, với dáng vẻ nhẫn nhục của những ai bị kết án phải luôn luôn hi vọng.”[1]

Quay trở lại với vấn đề vì sao tôi nhắc tới Baudelaire, tới tâm trạng “Spleen” và nỗi cô đơn của thị dân trong lúc nhớ về cuộc chạy trốn cá nhân khỏi sự huyên náo, chói lóa, ầm ĩ nơi thành thị. Bởi trước hết, Baudelaire cũng là một kẻ chạy trốn. Nếu đọc các bài trong “le Spleen de Paris’ sẽ thấy nhà thơ luôn cố gắng trốn chạy thành phố, trốn chạy đám đông mà ông gọi là “ách bạo chúa của khuôn mặt con người”[1], trốn chạy những hoàng hôn và cả thế giới này. Và thứ hai, chỉ khi sống trong sự nhốn nháo, ầm ĩ nhất của thành phố, mới có thể thấy cái cô đơn tuyệt cùng mà Baudelaire cố khắc họa trong thơ sống động đến ám ảnh nhường nào. Tâm trạng “Spleen” và phức cảm cô đơn, lạc lõng bao quanh nó không phải một kiểu tâm trạng có thể cảm được bằng cách ngồi lì trong căn phòng trống. Muốn hiểu tâm trạng ấy, thiết nghĩ cần phải lao vào những nơi huyên náo, rực rỡ, ồn ào, sống động nhất, rồi nếu nhận thấy có điều gì đó đang trơ ra, đang chênh ra đầy bẽ bàng giữa mình và cái bủa vây lấy mình, đó chính là “Spleen” – một sự vắng mặt ngay lúc hiện diện, một khoảng trắng bất thường của trang giấy vốn chi chít chấm tròn được vẽ cạnh nhau. Song hơn cả việc chỉ ra, Baudelaire còn cho thấy cái khoảng vênh ấy nguy hiểm thế nào. Tâm trạng “Spleen” rất dễ tạo nên một dạng năng lượng vọt ra không kiểm soát từ nỗi buồn chán và sự mơ mẩn. Chúng cho phép ta tưởng rằng lũ quỷ ranh ma luồn vào bên trong mình và điều khiển ta làm theo các ý chí phi lý. Cũng trong “le Spleen de Paris”, chương IX, ông kể một câu chuyện bằng thơ như sau:

“Một người khác sẽ châm một điếu xì gà cạnh một thùng thuốc súng, để xem, để biết, để dụ dỗ cái số, để tự buộc mình phải chứng tỏ là hoạt bát, để ra vẻ tay chơi, để biết các khoái thú của hoang mang, để chẳng gì hết, do thói thất thường bởi ăn không ngồi rồi”.[1]

Thế đấy, trong lúc chán nản chạy trốn, tôi đã nhấn ga và phi lên điên cuồng nhưng quên mất mình chỉ có một cái mạng :p

Câu chuyện tôi muốn kể và những liên tưởng tới Baudelaire chỉ tới thế, cũng không biết cần kết lại bài viết ra sao…. Đám đông ngoài kia vẫn láo nháo, “chen chúc nhau quanh vòng ngoài một buổi công xe công cộng”, tất tật vẫn chỉ là “ánh sáng, bụi, những tiếng hét, niềm vui, náo loạn”[1].

Thế đấy, trong lúc chán nản chạy trốn, tôi đã nhấn ga và phi lên điên cuồng nhưng quên mất mình chỉ có một cái mạng. Đám đông ngoài kia vẫn láo nháo, “chen chúc nhau quanh vòng ngoài một buổi công xe công cộng”, tất tật vẫn chỉ là “ánh sáng, bụi, những tiếng hét, niềm vui, náo loạn”[1].

Chú thích:

[1] Baudelaire, Cao Việt Dũng dịch (2022), Le Spleen de Paris, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.


Posted

in

by