The Cricket Project

I came I saw I read.

VÌ SAO ARTHUR SCHOPENHAUER KHÔNG ƯA NỀN GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI.

Pí Lù
Pí Lù

Nếu triết gia người Đức Arthur Schopenhauer trỗi dậy từ nấm mồ và đăng ký vào một trường Đại học giáo dục Khai phóng thời hiện đại, rất có thể ông sẽ chẳng vượt qua nổi kỳ thi đầu vào. Chẳng phải vì không hiểu nổi bất cứ giáo viên nào của mình – Schopenhauer thông thạo cả ba ngôn ngữ Anh, Đức, Pháp – mà chỉ đơn giản, ông sẽ không nghe theo lời họ. Trong một động thái khác khiến bản thân trở nên xa lạ với các học giả đồng nghiệp, Schopenhauer đã đưa ra những quan điểm mạnh mẽ liên quan đến việc tìm hiểu triết học và cách triết học nên được biểu hiện. Đáng chú ý nhất, Schopenhauer tin rằng các trích dẫn không hề thuộc về văn bản học thuật. Ông cho rằng thói quen sử dụng và trích dẫn khiến các lập luận mang vẻ sai lầm và mất uy tín, và mượn ý tưởng từ nơi khác sẽ cản trở khả năng phát triển suy nghĩ của chính tác giả. Giống như các triết gia trước ông, từ Plato và Aristotle đến Immanuel Kant, Schopenhauer đã xây dựng các văn bản chính của mình không phải từ các nhà văn khác mà thông qua tư duy lôgic, và chỉ tư duy logic mà thôi.

Schopenhauer tuyên bố phương pháp đó dẫn đến tiếp thu hiệu quả hơn, và ông có ý đúng. Không may rằng, nền giáo dục hiện đại có vẻ như đi lệch khỏi sự định hướng của vị triết gia. Sự cần thiết sử dụng và trích dẫn nguồn đã găm tận xương tủy mỗi người sinh viên. Ngay ở cấp trung học, đôi khi học sinh đã được dạy trích dẫn công trình của tác giả khác. Tin tưởng các chuyên gia là một trách nhiệm chung, nhưng điều đó đồng thời làm suy thoái khả năng tự hình thành lối suy nghĩ của riêng mình.

Tính tinh giản và xác thực

Trong bài tiểu luận với tựa đề “On Style” (Về Phong Cách), Schopenhauer viết,

“Một nhà văn chỉ đáng đọc khi là người viết trực tiếp từ các chất liệu tâm trí mình. Nhưng những người làm sách, người viết tóm tắt hay nhà sử học thông thường lại lấy tư liệu từ sách vở; tư liệu đó đi xuống ngòi bút của họ mà chẳng có chút băn khoăn hay xem xét nội tâm… Đó là lý do tại sao diễn ngôn của họ mơ hồ đến nỗi, ta phải vắt óc để tìm ra các ý nghĩa. Đơn giản là, họ chẳng có suy nghĩ gì cả.”

Schopenhauer không phải không thích các trích dẫn, thỉnh thoảng ông vẫn sử dụng chúng trong sách của mình. Mà là, ông không thích cách các học giả khác sử dụng chúng. Họ thêm các trích dẫn từ nguồn ngoài mà không thực sự xử lý ý nghĩa và mức độ liên quan. Mục đích của họ không phải để củng cố lập luận, mà là làm lập luận có vẻ như đã được củng cố. Khi đọc một cuốn sách, bài báo được lấp đầy bởi những trích dẫn từ các nhà văn, nhà tư tưởng đáng kính, niềm tin chúng ta đặt vào các vị này sẽ chiếu vào văn bản chúng ta đọc, khiến văn bản mang vẻ đáng tin mà nó không hề có.

Dẫu sao thì, các trích dẫn và tài liệu tham khảo không phải là công cụ duy nhất mang lại vỏ bọc tri thức cho các bài viết. Schopenhauer cũng nghi ngờ về cách các nhà văn sử dụng ngôn ngữ. Ở thời của Schopenhauer, hầu hết các văn bản triết học đều dày đặc chữ tới mức không thể tiếp thu được. Chúng là những mê cung ngữ nghĩa mà chỉ số ít độc giả chọn lọc mới biết cách tìm đường. Chúng chứa đầy các biệt ngữ và các thuật ngữ riêng, được trình bày với câu văn dài, cú pháp phức tạp cùng nhiều từ đồng nghĩa khó hiểu.

Arthur Schopenhauer từng là một biểu tượng xung đột thường xuyên với các quy ước học thuật

Các biệt ngữ cùng cú pháp không trau chuốt đôi khi cần thiết để diễn đạt những ý đặc biệt phức tạp, nhưng Schopenhauer tin rằng, những người cùng thời ông thường khiến mọi thứ nghe phức tạp hơn thực tế.

Bằng những lời giảng đó, họ không chỉ loại trừ một phần lớn độc giả, mà còn đánh lừa độc giả về khả năng đọc hiểu văn bản của họ, khiến họ ngưỡng mộ những vị giả vờ hiểu văn bản đó.

Vẫn cùng bài luận trên, ông viết, “Một tác giả không nên làm gì khác, ngoài việc thể hiện trí tuệ mình như những gì anh ta thực sự có…Chúng ta cũng thấy rằng, mọi nhà tư tưởng chân chính đều cố gắng bày tỏ suy nghĩ của mình một cách thuần túy, rõ ràng, dứt khoát, và ngắn gọn nhất có thể. Đây là lý do tại sao sự tinh giản luôn được coi như một dấu hiệu không chỉ của sự thật, mà còn của thiên tài. Vẻ đẹp của phong cách đến từ chính những tư tưởng nó truyền tải, nhưng đối với các nhà văn đó, họ nghĩ rằng tư tưởng của họ được đón nhận là nhờ phong cách của họ. Nhưng, phong cách chỉ đơn thuần là hình bóng của suy nghĩ; và viết theo một phong cách mơ hồ hoặc tối nghĩa tức là biểu hiện một tâm trí ngu dốt hoặc rối rắm”.

Cuộc xung đột của Schopenhauer với nền giáo dục đại học.

Schopenhauer bất đồng với các quy ước học thuật có lẽ bởi những trải nghiệm tiêu cực về học thuật của ông. Năm 1820, sau khi cuốn sách The World as Will and Representation (tạm dịch: Thế giới như Ý chí và Biểu tượng) không đạt được cơn bão đón nhận như ông kỳ vọng, Schopenhauer trẻ tuổi đã nhận một vị trí giảng dạy tại Đại học Berlin. Tại đây, ông cố gắng sắp xếp các khóa học của mình cùng lúc với các khóa học được giảng dạy bởi Georg Wilhelm Friedrich Hegel, một nhà triết học lớn tuổi và nổi tiếng hơn nhiều mà Schopenhauer bất đồng kịch liệt.

Hegel, trong mắt Schopenhauer, là một kẻ ‘lang băm’ xuất sắc nhất từng đặt chân vào giảng đường, một người với lối viết cực kỳ phức tạp và mang tính tham khảo cao để đánh lạc hướng độc giả khỏi những sai lầm trong suy nghĩ của ông. Ngày nay, những ý tưởng của Hegel đã bị bác bỏ từ lâu và phong cách viết của ông thường bị cả giáo viên và sinh viên chế giễu. Tuy nhiên, trong suốt đầu thế kỷ 19, Hegel đã thực sự trở thành nhà triết học có ảnh hưởng nhất ở toàn châu Âu, sánh vai cùng nhà thơ Johann Wolfgang von Goethe.

Ghen tị với sự công nhận mà Hegel nhận được từ các học giả khác, Schopenhauer không thể không ganh đua. Trong khi Hegel đấu tranh với các quản trị đang bất an về niềm tin tiến bộ của ông, Schopenhauer lại tự thể hiện mình là người phi chính trị để thu hút sự quan tâm từ các nhà tuyển dụng của trường. Ông thậm chí còn làm gián đoạn bài giảng thử nghiệm của mình bằng một cuộc tranh luận sôi nổi với Hegel – dù không hoàn toàn cần thiết, mà biết chắc rằng cuộc đối đầu có thể khiến ông mất vị trí giảng dạy.

George Hegel – triết gia nổi tiếng nhất trong thời đại của ông, và là một nhà văn tệ hại.

Mặc dù xếp lịch các khóa học của mình cùng lúc với Hegel, Schopenhauer không thể thu hút các sinh viên khỏi kẻ thù không đội trời chung của mình. Trong khi Hegel thuyết trình trước một khán phòng kín chỗ, Schopenhauer sốc khi chỉ có năm người thực sự đăng ký khóa học của ông, trớ trêu thay lại xoay quanh việc nghiên cứu tác phẩm The World as Will.

Sau một vài học kỳ, sự nổi tiếng trong giới sinh viên không được cải thiện, Schopenhauer đã từ bỏ. Ông không chỉ bỏ công việc giảng dạy tại Đại học Berlin mà bỏ giảng dạy nói chung. Sử dụng số tiền thừa kế từ người cha thương nhân của mình, Schopenhauer đã có nguồn tài trợ cả đời cho việc nghiên cứu độc lập. Những văn bản mà ông viết trong thời kỳ này hầu hết là các chương bổ sung cho The World as Will, không phải vì sự giàu có hay địa vị mà vì mục đích tự hoàn thiện bản thân, mà không biết rằng liệu có ai khác đọc chúng thay vì chính bản thân ông hay không.

Cuộc nghiên cứu độc lập

Khi Schopenhauer đổi từ giảng đường sang phòng ngủ, quan điểm triết học của ông đã thay đổi theo môi trường mới xung quanh. Ông viết trong mục Lời nói đầu ấn bản thứ hai của The World as Will, “Triết lý thiền định của tôi có riêng trong mình một chân lý dẫn lối, trần trụi, không cần tưởng thưởng, không đơn độc, thường công kích chính sự thật, và nó tiến thẳng về phía trước, không ngoái nhìn bất cứ hướng nào khác.”

Trước đây, Schopenhauer đã lập luận rằng khả năng tiếp thu tốt nhất đến từ việc tin tưởng vào khả năng suy luận của chính mình. Sau khi hoàn toàn chấp nhận cuộc sống của một ẩn sĩ, ông đã tiến thêm một bước xa hơn, lập luận rằng để tiến hành bất kỳ quá trình suy tưởng chân thực nào về bản chất của thực tại, trước tiên bạn phải loại bỏ chính mình khỏi thực tại đó.

Một bài luận khác – On University Philosophy (Triết học trong các trường Đại học) – ông viết, “Giờ đây, có thứ triết học quái quỷ nào lại liên quan đến alma mater, thứ triết học được cho là quan trọng trong đại học lại mang gánh nặng của hàng trăm ý định và hàng ngàn cân nhắc trên con đường của nó….các ý muốn của Bộ, giáo điều của nhà thờ, ước muốn của các nhà xuất bản, sự khuyến khích của sinh viên, thành ý của đồng nghiệp, xu hướng chính trị hiện thời, khuynh hướng nhất thời của công chúng, và chỉ Chúa mới biết còn những gì nữa!”

Lần nữa, những lời chỉ trích của Schopenhauer đối với các tổ chức học thuật và các quy ước cứng nhắc chắc chắn bị ảnh hưởng từ những kinh nghiệm tiêu cực của ông. Những bài luận của ông, có đôi khi thiển cận và thậm chí là đạo đức giả, vẫn chứa đựng những lời khuyên hữu ích khi nói tới việc định hướng thế giới học thuật. Như John Stewart đã chỉ ra trong bài báo của mình, “Schopenhauer’s Charge and Modern Academic Philosophy”, khái niệm về một nhà triết học được tuyển dụng theo quy chuẩn là khái niệm mới xuất hiện gần đây. Hơn nữa, một số nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử, bao gồm Descartes và Hume, chưa bao giờ làm việc trong bất kỳ trường đại học nào mà thay vào đó dành toàn bộ tâm sức cho việc nghiên cứu độc lập.

Còn đối với độc giả chúng ta, không nên tự động bày tỏ niềm tin với ai đó chỉ bởi họ tình cờ viện dẫn một người có tiếng nói. Chúng ta không thể chắc được nếu trích dẫn đó được rút khỏi bối cảnh ban đầu để chứng minh một luận điểm rất khác, hoặc có thể được dùng như một vật tô điểm thôi. Còn Lý trí, sẽ không bao giờ lừa dối.